Pages

Newsletter

About Big Vines

Technology

Internet

GIÁO LÝ LỚN LÊN TRONG CHÚA THÁNH THẦN

GIÁO ÁN DÀNH CHO GIÁO LÝ VIÊN
XIN NHẤP VÀO CÁC LINK LIÊN KẾT DƯỚI ĐÂY

PHẦN I : TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
PHẦN II : SỐNG TRONG CHÚA KITÔ
PHẦN III : CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO

Bài mở đầu : EM LỚN KHÔN.
“Còn Chúa Giê-su, càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan và ơn phúc trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người” (Lc 2, 52)

01. H. Tuổi đời đã có ảnh hưởng nào đối với ta ?
T. Tuổi đời đã làm cho ta nên lớn khôn về thể xác và tinh thần.


02. H. Để ngày càng lớn lên trong Đức tin, ta cần phải làm gì ? (GLCG.372)
T. Ta cần không ngừng đào sâu Giáo lý, siêng năng cầu nguyện và góp phần truyền bá đức tin.


PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN


Bài 01 : THIÊN CHÚA SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG.

“Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí giá hơn chúng sao ? (Mt 6,26)



03. H. Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng điều gì về Thiên Chúa sáng tạo ? # (GLCG.39)
T. Ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

04. H. Vì sao Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật ? (GLCG.43)
T. Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật để biểu lộ và thông ban vinh quang của Người.

05. H. Thiên Chúa có chăm sóc những loài Chúa đã sáng tạo không ? (GLCG.44)
T. Thiên Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc và hướng dẫn mọi loài thụ tạo, để vũ trụ tiến dần đến mức hoàn hảo như Chúa muốn. Đó là sự quan phòng.

06. H. Ta phải có thái độ nào đối với Đấng Sáng Tạo? (GLCG.47)
T. Ta phải luôn sống tâm tình con thảo, yêu mến, tôn thờ, phó thác vào Người và cùng với mọi người bảo vệ, phát triển thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.




Bài 02 : THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1,27)



07. H. Thiên Chúa tạo dựng con người làm sao ? # (GLCG.48)
T. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người.

08. H. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người những đặc ân nào ? (GLCG.51)
T. Thiên Chúa đã ban cho tổ tông loài người được sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng hạnh phúc ấy đã mất khi Tổ tông phạm tội.


09. H. Được Thiên Chúa ban cho sự sống và phẩm giá cao quí như vậy, ta phải làm gì ? (GLCG.52)
T. Ta phải biết cám ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cố gắng làm cho cuộc sống của ta và mọi người ngày càng thêm tươi đẹp, và đầy yêu thương.




Bài 03 : SA NGÃ

“Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quí vì làm cho mình được tinh khôn : bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn” (St 3,6)



10. H. Các thiên thần và loài người có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không ? # (GLCG.53)
T. Không. Vì một số thiên thần đã từ chối tình thương của Thiên Chúa và đã quyến rũ tổ tông loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa.


11. H. Tội tổ tông đã gây nên những hậu quả nào ? (GLCG.55)
T. Tội tổ tông làm cho loài người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự hòa hợp với bản thân, với đồng loại và với mọi thụ tạo khác, nhất là vì tội mà con người phải đau khổ và phải chết.


12. H. Tội tổ tông có truyền lại cho con cháu không ? (GLCG.56)
T. Có. Tội tổ tông đã truyền lại cho loài người một bản tính đã mất đi sự thánh thiện nguyên thủy. Ta gọi là tội tổ tông truyền.


13. H. Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa có bỏ loài người không ? (GLCG.57)
T. Không. Thiên Chúa chẳng bỏ mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người.




Bài 04 : CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)



14. H. Vì sao Con Thiên Chúa xuống thế làm người ? (GLCG.63)
T. Con Thiên Chúa xuống thế làm người vì bốn lẽ này :
- Một là để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi,
- Hai là để tỏ cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa,
- Ba là để làm mẫu mực cho ta sống thánh thiện,
- Bốn là để ta được kết hợp với Người mà trở nên con cái Thiên Chúa.


15. H. Vậy Chúa Giê-su Ki-tô là người hay là Thiên Chúa? (GLCG.64)
T. Chúa Giê-su vừa là người thật như ta, vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. Người vừa có bản tính loài người, vừa có bản tính Thiên Chúa, trong cùng một Ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa.


16. H. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người như thế nào ? # (GLCG.65)
T. Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần cho Ngôi Hai “nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và đã làm người” (Kinh Tin Kính)


17. H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su đã diễn ra thế nào ? # (GLCG.66)
T. Chúa Giê-su đã sinh ra tại làng Bê-lem, sống ẩn dật tại Na-da-rét, nước Do Thái. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Cuối cùng Người chịu chết trên thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, rồi sống lại và lên trời.



Bài 05 : CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA CHÚA GIÊ-SU

“Đức Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 61)


18. H. Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì ? (GLCG.68)
T. Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su có những ý nghĩa này :
- Một là nêu gương hiếu thảo, vâng phục cha mẹ,
- Hai là nêu gương nên thánh trong cuộc sống gia đinh và lao động thường ngày.


19. H. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giê-su đã làm gì ? (GLCG.69)
T. Người đã đến sông Gio-đan chịu phép rửa của ông Gio-an để nói lên rằng : Người chấp nhận và khai mạc công trình cứu chuộc của Người. Công trình này sẽ được hoàn thành trong cuộc khổ nạn.


20. H. Việc Chúa Giê-su chịu ma quỉ cám dỗ và chiến thắng nói lên điều gì ? (GLCG.70)
T. Chúa chịu cám dỗ để cảm thông thân phận yếu đuối của loài người. Người chiến thắng để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha, khác với A-đam đã sa ngã.


21. H. Khi rao giảng, Chúa Giê-su chủ ý loan báo điều gì ? (GLCG.71)
T. Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo : “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

22. H. Tại sao lời loan báo Nước Thiên Chúa là một Tin mừng ? (GLCG.72)
T. Vì mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa và Nước ấy thuộc về những người nghèo hèn, bé mọn, nghĩa là những ai đón nhận với lòng khiêm hạ.



Bài 06 : CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊ-SU

“Khi Thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” (Mt 17,22)


23. H. Việc Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa gì ? #(GLCG.77)
T. Việc Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa này :
- Một là để tự nguyện chịu chết.
- Hai là để tỏ mình là Vua Ki-tô,
- Ba là cho thấy Nước Thiên Chúa sắp hoàn thành khi Người chịu chết và sống lại.

24. H. Những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su ? (GLCG.82)
T. Một số người lãnh đạo Do Thái đã chủ mưu giết Chúa Giê-su. Nhưng chính chúng ta cũng gây nên cái chết của Người mỗi khi chúng ta phạm tội, như lời Thánh Phao-lô nói :“Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3).


25. H. Vì sao Thiên Chúa lại muốn cho Chúa Giê-su phải chết ? (GLCG.83)
T. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã “sai Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta” (2 Cr 5,19)


26. H. Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su đem lại cho ta điều gì ? # (GLCG.85)
T. Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh đền tội và làm cho ta nên công chính.



Bài 07: CHÚA GIÊ-SU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI.

“Những người này bảo hai ông : “Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (Lc 24,34)


27. H. Sau khi Chúa Giê-su chết và được mai táng trong mồ, điều kỳ diệu gì đã xảy ra ? # (GLCG.88)
T. Sau khi chết chưa đủ ba ngày, Chúa Giê-su đã sống lại như Người đã báo trước.


28. H. Dựa vào đâu mà biết Chúa Giê-su đã sống lại thật ? (GLCG.89)
T. Dựa vào hai điều này :
- Một là ngôi mộ không còn xác Chúa mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.
- Hai là Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ.


29. H. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su làm gì ? # (GLCG.94)
T. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su còn hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ trong 40 ngày rồi Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha.


30. H. Tin vào Chúa Giê-su Phục sinh, ta phải sống thế nào ? (GLCG.96)
T. Ta luôn sống lạc quan tin tưởng, can đảm theo đường lối Chúa, dầu phải chấp nhận những thiệt thòi, mất mát, vì tin rằng ta sẽ được dự phần vinh quang với Người.



Bài 08 : CHÚA GIÊ-SU SẼ ĐẾN PHÁN XÉT

“Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27)


31. H. Chúa Giê-su còn đến thế gian nữa không ? # (GLCG.97)
T. Chúa Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.


32. H. Phán xét kẻ sống và kẻ chết nghĩa là gì ? (GLCG.98)
T. Nghĩa là Chúa Giê-su vinh hiển sẽ phơi bày mọi tâm tư thầm kín của mỗi người, và thưởng phạt theo việc họ đã làm.


33. H. Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất thế nào trong ngày Chúa Giê-su trở lại ? (GLCG.99)
T. Vào ngày trở lại, Chúa Giê-su sẽ thực hiện cuộc chiến thắng cuối cùng của sự thiện trên sự ác và qui tụ vạn vật để dâng lên Thiên Chúa Cha (x. 1Cr 15,24).


34. H. Khi nào Chúa Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang ? (GLCG.100)
T. Chắc chắn Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng ta không biết được lúc nào (x. 2 Tx 2,3-12). Vì vậy, ta được mời gọi luôn sống tỉnh thức đợi chờ.



Bài 09 : CHÚA THÁNH THẦN

“Ông Gio-an còn làm chứng :“Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1,32)


35. H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào ? #(GLCG.101)
T. Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.


36. H. Chúa Thánh Thần đã được ban cho các môn đệ lúc nào ? (GLCG.106)
T. Chúa Giê-su đã nhiều lần hứa ban Chúa Thánh Thần, rồi chiều ngày Phục sinh và ngày lễ Ngũ tuần, Người đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.


37. H. Chúa Thánh Thần xây dựng Hội thánh thế nào ? # (GLCG.107)
T. Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Hội thánh, hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Ki-tô và, thúc đẩy Hội thánh chu toàn sứ mệnh Chúa Ki-tô giao phó.


38. H. Chúa Thánh Thần thánh hoá Hội thánh thế nào ? (GLCG.108)
T. Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu trở nên con cái Chúa Cha, và dự phần vào chính sự sống Chúa Ki-tô. Người còn cho họ nhận biết sự thật, dạy họ cầu nguyện, thúc đẩy họ sống mến Chúa yêu người, và làm chứng cho Chúa Ki-tô.


39. H. Ta còn được hưởng những ơn nào của Chúa Thánh Thần nữa không ? (GLCG.320)
T. Ta còn được nâng đỡ bởi bảy ơn Chúa Thánh Thần :
- Một là ơn khôn ngoan,
- Hai là ơn hiểu biết,
- Ba là ơn thông minh,
- Bốn là ơn biết lo liệu,
- Năm là ơn sức mạnh,
- Sáu là ơn đạo đức,
- Bảy là ơn biết kính sợ Thiên Chúa.


40. H. Ta phải sống với Chúa Thánh Thần thế nào ? # (GLCG.109)
T. Ta phải tin kính, thờ phượng, cầu xin Chúa Thánh Thần và vâng theo ơn Người soi sáng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người.



Bài 10 : THIÊN CHÚA BA NGÔI

“Đức Giê-su vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra và thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,9-11)



41. H. Khi tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, ta phải hiểu thế nào ? (GLCG.29)
T. Ta phải hiểu : chỉ có một Thiên Chúa và ngoài Người ra, không có Thiên Chúa nào khác, và ta phải thờ phượng một mình Người mà thôi (x. Mt 4,10).


42. H. Thiên Chúa có tỏ mình cho ta biết thêm về Người nữa không ? (GLCG.32)
T. Thiên Chúa còn tỏ cho ta biết Người “giầu ơn nghĩa và trung tín” (Xh 34, 6). Người chính là Sự Thật và Tình yêu.


43. H. Nhờ đâu ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? (GLCG.35)
T. Nhờ Chúa Giê-su mặc khải mà ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19).


44. H. Ta phải hiểu thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? (GLCG.36)
T. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau, nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).



Bài 11 : HỘI THÁNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5)


45. H. Hội thánh là cộng đoàn nào ? # (GLCG.110)
T. Hội thánh là một cộng đoàn những người được Lời Thiên Chúa qui tụ thành Dân Chúa và thành Thân Thể Chúa
Ki-tô.


46. H. Hội thánh có vai trò nào trong chương trình cứu độ ? (GLCG.113)
T. Hội thánh vừa là dấu chỉ, vừa là khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (HT số 1).
47. H. Vì sao gọi Hội thánh là Đền thờ của Chúa Thánh Thần ? (GLCG.118)
T. Vì Chúa Thánh Thần luôn ở trong Hội thánh như linh hồn của Nhiệm thể. Người không ngừng xây dựng, thánh hóa và canh tân Hội thánh bằng các ân sủng của Người.




Bài 12 : ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH

“Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18)



48. H. Hội thánh Công giáo có những đặc tính nào ? (GLCG.119)
T. Hội thánh Công giáo có bốn đặc tính này là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.


49. H. Vì sao ta tuyên xưng Hội thánh là duy nhất ? (GLCG.120)
T. Vì Chúa Ki-tô chỉ thiết lập một Hội thánh và Hội thánh chỉ có một Chúa, chỉ tuyên xưng một Đức tin, sinh ra từ một Phép Rửa, làm thành một thân thể, được sống nhờ một Thần Khí và hướng về một niềm hy vọng.


50. H. Vì sao ta tuyên xưng Hội thánh là thánh thiện ? (GLCG.122)
T. Hội thánh là thánh thiện vì :
- Một là bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh.
- Hai là được Chúa Ki-tô thánh hoá bằng Lời Chúa và các Bí tích.
- Ba là được Chúa Thánh Thần làm cho sống động và phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện.

51. H. Vì sao ta tuyên xưng Hội thánh là Công giáo ? (GLCG.124)
T. Hội thánh là Công giáo vì :
- Một là toàn bộ chân lý đức tin đã được ủy thác cho Hội thánh gìn giữ và loan truyền.
- Hai là nhờ sự hiện diện của Chúa Ki-tô, Hội thánh mang trong mình đầy đủ các phương tiện cứu độ.
- Ba là Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi thời đại.


52. H. Vì sao ta tuyên xưng Hội thánh là Tông truyền ? (GLCG.127)
T. Hội thánh là Tông truyền vì :
- Một là Hội thánh được xây trên nền tảng các Tông đồ.
- Hai là Hội thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn của các Tông đồ.
- Ba là Hội thánh vẫn tiếp tục được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Tông đồ, nhờ các Đấng kế vị là các Giám mục, cho đến ngày Chúa Ki-tô lại đến.


Bài 13 : TỔ CHỨC HỘI THÁNH

Người hỏi lần thứ ba :“Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?”. Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần :“Anh có yêu mến Thầy không ?”. Ông đáp :“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su bảo :“Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17)



53. H. Hội thánh Công giáo có những thành phần nào ? # (GLCG.130)
T. Hội thánh Công giáo gồm có Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân.


54. H. Đức Giáo Hoàng là ai ? (GLCG.132)
T. Đức Giáo Hoàng là Đấng Kế vị Thánh Phê-rô, làm Giám mục Rô-ma, là Thủ lãnh Giám mục đoàn, đại diện Chúa Ki-tô và Chủ chăn của Hội thánh toàn cầu.


55. H. Các Giám mục là ai ? (GLCG.133)
T. Các Giám mục là những Đấng kế vị các Tông đồ, để qui tụ, cai quản Hội thánh địa phương và cùng với Đức Giáo Hoàng phục vụ Hội thánh toàn cầu.


56. H. Các Linh mục là ai ? (GLCG.134)
T. Các Linh mục là những người tham dự vào chức Tư tế thừa tác của Giám Mục và chia sẻ sứ mệnh với Người.


57. H. Các Phó tế là ai ? (GLCG.135)
T. Các Phó tế là những Thừa tác viên được truyền chức thánh để lo các công tác phục vụ trong Hội thánh.


58. H. Các Tu sĩ là ai ? # (GLCG.136)
T. Là những Ki-tô hữu muốn bước theo Chúa Giê-su cách triệt để, nên tự nguyện khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, theo những hình thức đã được Hội thánh phê chuẩn.


59. H. Sứ mệnh riêng của người giáo dân là gì ? (GLCG.139)
T. Sứ mệnh riêng của người giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và làm việc tông đồ giữa trần gian trong những công việc thế tục.



Bài 14 : HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH

“Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ” (Ep 4,15-16)



60. H. Trong Hội thánh, các tín hữu có hiệp thông với nhau không ? (GLCG.160)
T. Có, vì tất cả các tín hữu hợp thành một Thân thể duy nhất mà Chúa Ki-tô là Đầu. Sự thánh thiện của Đầu được thông ban cho các chi thể và sự tốt lành của người này ảnh hưởng đến người kia.


61. H. Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào ? (GLCG.161)
T. Các tín hữu còn sống trên trần gian, các linh hồn trong luyện ngục và các thánh trên trời chia sẻ cho nhau những ơn ích thiêng liêng.


62. H. Các tín hữu còn ở trần gian hiệp thông với nhau thế nào ? (GLCG.162)
T. Họ cùng hiệp thông trong đức tin, đức ái, kinh nguyện, các Bí tích và các đoàn sủng ; đồng thời cũng chia sẻ cả của cải vật chất với nhau trong tinh thần liên đới và tương trợ.


63. H. Chúng ta hiệp thông với các Thánh trên trời thế nào ? (GLCG.163)
T. Chúng ta noi gương đời sống thánh thiện của các Thánh và xin các ngài phù giúp ; còn các Thánh thì chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.


64. H. Chúng ta hiệp thông với các linh hồn trong luyện ngục thế nào ? (GLCG.164)
T. Chúng ta dâng việc lành phúc đức cầu nguyện cho các linh hồn ấy sớm được giải thoát và chính chúng ta cũng được hưởng nhờ lời chuyển cầu của các Ngài.



Bài 15 : ĐỨC MA-RI-A : MẸ CHÚA GIÊ-SU VÀ MẸ HỘI THÁNH

Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28)


65. H. Thiên Chúa đã ban cho Đức Ma-ri-a những đặc ân nào ? # (GLCG.165)
T. Thiên Chúa đã ban cho Đức Ma-ri-a những đặc ân này :
- Một là ơn Vô nhiễm Nguyên tội.
- Hai là ơn làm Mẹ Thiên Chúa.
- Ba là ơn Đồng Trinh trọn đời.
- Bốn là ơn Hồn Xác lên Trời.


66. H. Đức Ma-ri-a đã cộng tác thế nào trong công trình cứu độ ? (GLCG.166)
T. “Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu thế nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn” (HT. 61).


67. H. Đức Ma-ri-a có vị trí nào trong Hội thánh ? (GLCG.167)
T. Đức Ma-ri-a là chi thể trổi vượt và là gương mẫu sáng ngời của Hội thánh, vì Người đã là Mẹ của Đầu là Chúa Ki-tô thì cũng là Mẹ của toàn thân là Hội thánh.


68. H. Chúng ta phải tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thế nào ? # (GLCG.168)
T. Chúng ta phải đặc biệt tôn kính, mến yêu, cầu xin và trông cậy Đức Mẹ. Nhất là chúng ta bắt chước các nhân đức của Mẹ, đi theo con đường Mẹ đã đi để được đến nơi Mẹ đã đến.



Bài 16 : ƠN PHỤC SINH VÀ ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU

“Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29)



69. H. Khi tuyên xưng :“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, ta phải hiểu thế nào ? # (GLCG.173)
T. Ta phải hiểu là thân xác con người sau khi chết sẽ hư nát, nhưng Thiên Chúa sẽ cho thân xác ấy được sống lại trong ngày tận thế.


70. H. Tại sao chúng ta tin xác loài người sống lại ? (GLCG.174)
T. Vì chúng ta tin vào Thiên Chúa là Chúa kẻ sống, tin vào Chúa Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và tin vào lời Người hứa ban sự sống lại cho những ai thuộc về Người.


71. H. Theo Ki-tô giáo, sự chết có ý nghĩa gì ? (GLCG.175)
T. Theo Ki-tô giáo, chết là kết thúc cuộc sống trần gian, là hậu quả của tội lỗi và là một biến đổi đi vào cuộc sống mới.


72. H. Có phán xét chung nữa không ? # (GLCG.180)
T. Sẽ có phán xét chung vào ngày Chúa Ki-tô trở lại trong vinh quang. Lúc ấy, tất cả mọi người sẽ trình diện trước toà Chúa Ki-tô để trả lẽ về các hành vi của mình.


PHẦN II : SỐNG TRONG CHÚA KITÔ


Bài 17 : TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do”.(2 Cr 3,17)



73. H. Tự do là gì ? (GLCG.293)
T. Tự do là khả năng chọn lựa, nhờ đó mà con người có thể cân nhắc, quyết định và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.


74. H. Khi nào con người được tự do đích thực ?(GLCG.294)
T. Là khi con người biết dùng tự do để phục vụ điều thiện. Tự do ấy đạt tới mức hoàn hảo khi qui hướng về Chúa là Sự Thiện Tuyệt Đối.


75. H. Tự do quan trọng thế nào ? (GLCG.295)
T. Tự do đem lại giá trị luân lý cho các hành vi của con người. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm một cách cố ý, tức là có ý thức và tự do.


76. H. Con người có thể lạm dụng tự do của mình để làm điều xấu không ? (GLCG.296)
T. Con người có thể lạm dụng tự do để chối bỏ tình yêu Thiên Chúa và khi đó trở thành nô lệ tội lỗi.



Bài 18 : NHÂN ĐỨC

“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26)

77. H. Nhân đức là gì ? # (GLCG.308)
T. Nhân đức là thói quen tốt và bền vững giúp ta làm sự thiện cách dễ dàng hơn.


78. H. Có mấy thứ nhân đức ? (GLCG.309)
T. Có hai thứ :
- Một là các nhân đức nhân bản giúp ta hoàn thiện chính mình và sống tốt với mọi người.
- Hai là các nhân đức đối thần, trực tiếp qui về Thiên Chúa, giúp ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời.


79. H. Có mấy nhân đức nhân bản ? (GLCG.310)
T. Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó bốn nhân đức chính là : khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.


80. H. Có mấy nhân đức đối thần ? (GLCG.316)
T. Có ba nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.


81. H. Đức Tin là gì ? # (GLCG.317)
T. Đức Tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta trao phó trọn bản thân và đời mình cho Thiên Chúa, cùng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội thánh truyền lại cho ta.


82. H. Đức Cậy là gì ? # (GLCG.318)
T. Đức Cậy là ơn Thiên Chúa ban giúp ta dựa vào sức mạnh Chúa Thánh Thần mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời Chúa Giê-su đã hứa ban.


83. H. Đức Mến là gì ? # (GLCG.319)
T. Đức Mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và lại vì Chúa mà yêu thương mọi người như chính bản thân.



Bài 19 : TỘI LỖI

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ” (Mt 23,25)


84. H. Tội là gì ? # (GLCG.321)
T. Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn nghịch với Luật Chúa. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho bản thân và cho tình liên đới với tha nhân.


85. H. Thế nào là tội trọng ? # (GLCG.322)
T. Tội trọng là cố tình phạm luật Thiên Chúa trong những điều quan trọng mà ta kịp suy biết.


86. H. Tội trọng làm hại ta thế nào ? # (GLCG.323)
T. Tội trọng phá hủy sự sống và phẩm giá cao qúy của con người ; đồng thời cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa, và nếu không hối cải, thì sẽ phải xa cách Người đời đời.


87. H. Khi lỡ phạm tội trọng thì phải làm gì ?# (GLCG.324)
T. Phải thực lòng thống hối và lo liệu đi xưng tội ngay, đồng thời dùng mọi phương thế để không tái phạm nữa.


88. H. Thế nào là tội nhẹ ? # (GLCG.325)
T. Tội nhẹ là khi lỗi phạm một điều luật nhẹ hoặc một điều luật nặng nhưng chưa kịp suy biết đầy đủ hoặc chưa hoàn toàn ưng theo.


89. H. Tội nhẹ làm hại ta thế nào ? # (GLCG.326)
T. Tội nhẹ khiến ta giảm bớt lòng mến Chúa, dễ hướng chiều về điều xấu và dễ phạm tội trọng hơn.


90. H. Các tội ta phạm thường do những nết xấu nào ? # (GLCG.327)
T. Thường do bảy nết xấu này, quen gọi là bảy mối tội đầu :
- Một là kiêu ngạo,
- Hai là hà tiện,
- Ba là dâm ô,
- Bốn là hờn giận,
- Năm là mê ăn uống,
- Sáu là ghen ghét,
- Bảy là lười biếng.


Bài 20 : ƠN CHÚA

“Những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5,17)


91. H. Bởi sức tự nhiên ta có thể sống đẹp lòng Thiên Chúa không ? # (GLCG.354)
T. Nếu không có ơn Chúa giúp thì chẳng được, như lời Chúa Giê-su phán rằng: ”Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5).


92. H. Ơn Chúa là gì ? # (GLCG.355)
T. Ơn Chúa là sự trợ giúp Thiên Chúa ban, để ta sống xứng đáng là con cái Người và được dự phần vào sự sống thâm sâu của Ba Ngôi.


93. H. Có mấy thứ ơn Chúa ? # (GLCG.356)
T. Có hai thứ :
- Một là ơn thánh hóa có tính cách thường xuyên,
- Hai là ơn trợ giúp tùy hoàn cảnh.


94. H. Ơn Chúa hoạt động nơi ta như thế nào ?(GLCG.357)
T. Ơn Chúa thúc giục ta tin vào Chúa
Ki-tô, rồi khi chịu phép Rửa tội ta được công chính hoá, tức là được tha tội, được thánh hóa và trở nên con người mới.


95. H. Ta phải cộng tác với ơn Chúa thế nào ?# (GLCG.359)
T. Ta phải tỉnh thức để mau mắn đón nhận và nỗ lực cộng tác với ơn Thiên Chúa ban.


Bài 21 : Điều răn 1 : THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA


“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5)


96. H. Điều răn thứ nhất dạy ta những gì ? # (GLCG.369)
T. Điều răn thứ nhất dạy thờ phượng một mình Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự.


97. H. Phải tin kính Thiên Chúa như thế nào ?(GLCG.371)
T. Phải tin kính Thiên Chúa với tất cả lòng thành, không bao giờ nghi ngờ hoặc chối bỏ những gì Thiên Chúa đã mặc khải và Hội thánh dạy phải tin.


98. H. Phải trông cậy Thiên Chúa như thế nào ?(GLCG.374)
T. Phải trông cậy vững vàng, luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa và mong chờ phúc lành Chúa ban đời này cũng như đời sau.


99. H. Ta phải yêu mến Thiên Chúa như thế nào ?(GLCG.376)
T. Ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp lại tình Chúa thương ta.



Bài 22 : Điều răn 2 : TÔN KÍNH DANH THIÊN CHÚA

“Chúc tụng danh thánh Chúa,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !
Ca ngợi danh thánh Chúa !
Từ rạng đông tới lúc chiều tà !”
(Tv 112,2-3)


100. H. Điều răn thứ hai dạy ta sự gì ? # (GLCG.383)
T. Điều răn thứ hai dạy ta bổn phận tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa, vì Danh Người là Thánh


101. H. Có những tội nào nghịch điều răn thứ hai ?(GLCG.384)
T. Có những tội này :
- Một là sử dụng cách bất xứng Danh Thánh Thiên Chúa, Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các Thánh,
- Hai là không giữ những điều đã thề hứa nhân danh Thiên Chúa,
- Ba là nói phạm đến Thiên Chúa và Hội thánh,
- Bốn là thề gian.


102. H. Khi nào mới được lấy danh Thiên Chúa mà thề ? (GLCG.385)
T. Chỉ khi có việc thật hệ trọng hoặc bề trên đòi buộc thì ta mới được lấy Danh Thiên Chúa mà thề. Khi đó, ta buộc phải giữ đúng lời thề để tôn trọng danh dự và uy quyền của Thiên Chúa.



Bài 23 : Điều răn 3 : THÁNH HOÁ NGÀY CHÚA NHẬT

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, ... Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói :“Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20)



103. H. Điều răn thứ ba dạy ta những gì ? # (GLCG.388)
T. Điều răn thứ ba dạy ta thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.


104. H. Ngày Chúa nhật có những ý nghĩa nào ?(GLCG.389)
T. Có những ý nghĩa này :
- Một là nhắc nhớ việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục sinh của Chúa Ki-tô vào ngày "thứ nhất trong tuần",
- Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ Do thái và hướng tới sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa.


105. H. Ta phải làm gì để thánh hóa những ngày ấy ? # (GLCG.390)
T. Ta phải dự thánh lễ, nghỉ việc xác và nên làm thêm các việc lành, như tham dự các giờ kinh chung, làm các việc bác ái và tông đồ.


106. H. Ta phải dự thánh lễ Chúa nhật thế nào cho đúng luật Hội thánh ? # (GLCG.391)
T. Phải tích cực tham dự thánh lễ từ đầu đến cuối, trừ khi được miễn chuẩn vì lý do chính đáng. Nếu ai cố tình bỏ lễ thì mắc tội trọng.



Bài 24 : Điều răn 4 : THẢO KÍNH CHA MẸ

“Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi” (Đnl 5,16)


107. H. Đạo hiếu của dân tộc Việt Nam dạy ta điều gì ? (GLCG.396)
T. Dạy ta thảo kính đối với ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời.
108. H. Theo Tin Mừng, Hội thánh dạy ta những nghĩa vụ nào để kiện toàn đạo hiếu ?(GLCG.397)


T. Hội thánh dạy ta những nghĩa vụ này :
- Một là tôn kính, biết ơn và vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng.
- Hai là lo cho cha mẹ khi các ngài còn sống được đầy đủ về phần xác cũng như phần hồn.
- Ba là khi cha mẹ qua đời, phải lo việc an táng, hương khói, làm các việc lành, cầu nguyện và dâng lễ cho các ngài.


109. H. Ta có bổn phận nào đối với những người trong gia tộc ? (GLCG.399)
T. Ta có bổn phận tỏ lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến, giúp đỡ và cầu nguyện cho mọi người trong gia tộc còn sống cũng như qua đời.


110. H. Anh chị em có bổn phận nào đối với nhau ?# (GLCG.400)
T. Anh chị em trong gia đình phải biết kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.



Bài 25 : Điều răn 5 : TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

“Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó”. (1 Ga 3,15)



111. H. Điều răn thứ năm dạy ta những gì ?# (GLCG.404)
T. Điều răn thứ năm dạy ta qúy trọng sự sống tự nhiên và siêu nhiên của mình cũng như của người khác, và do đó, cấm mọi hình thức xâm phạm đến sự sống con người.


112. H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ năm ? (GLCG.406)
T. Có những tội này :
- Một là cố sát, nghĩa là cố ý giết người cách trực tiếp hoặc gián tiếp,
- Hai là làm chết êm dịu,
- Ba là tự sát,
- Bốn là phá hoại hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình và của người khác,


113. H. Ta phải làm gì để giúp cuộc sống chung tốt đẹp ? # (GLCG.408)
T. Mỗi người cần phải bỏ tính ích kỷ, nóng giận, trả thù. Cần luyện tập sự dịu hiền và biết quan tâm đến người khác, đồng thời phải cố gắng hết sức để loại trừ chiến tranh và xây dựng hòa bình đích thực.



Bài 26 : Điều răn 6+9 : SỐNG TRONG SẠCH

“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu thì toàn thân sẽ tối” (Mt 6,22)

114. H. Điều răn thứ chín dạy ta sự gì ? (GLCG.434)
T. Điều răn thứ chín dạy ta phải sống trong sạch từ trong tư tưởng và chống lại những ham muốn xác thịt nghịch đức trong sạch.


115. H. Tại sao phải giữ sự trong sạch trong tâm hồn ? (GLCG.435)
T. Vì tư tưởng và lòng trí trong sạch giúp ta dễ dàng nhìn mọi sự vật ở đời này theo tinh thần của Thiên Chúa, đồng thời là điều kiện giúp ta chiêm ngắm Thiên Chúa mai sau.


116. H. Muốn giữ tâm hồn trong sạch ta phải làm gì ? # (GLCG.436)
T. Ta phải giữ những việc này :
- Một là chuyên chăm cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và trông cậy vào ơn Chúa.
- Hai là sáng suốt làm chủ ngũ quan và trí tưởng tượng.
- Ba là sống đoan trang trong ăn mặc, nói năng, cư xử với người khác và xa lánh dịp tội.
- Bốn là năng đọc Lời Chúa và sách báo lành mạnh.


117. H. Khi có những hình ảnh, tư tưởng dâm ô trong tâm trí ta phải làm gì ? (GLCG.437)
T. Ta phải mau mắn loại bỏ và tránh dịp tội, đồng thời cầu xin Chúa và Đức Mẹ giúp ta thắng vượt cám dỗ.



Bài 27 : Điều răn 7 : GIỮ SỰ CÔNG BẰNG

“Ngươi không được trộm cắp...” (Xh 20,15)


118. H. Điều răn thứ bảy dạy ta những gì ? # (GLCG.416)
T. Điều răn thứ bảy dạy ta sống công bằng theo hai nghĩa :
- Một là tôn trọng của cải người khác vì mỗi người được quyền có của cải riêng để bảo đảm nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống gọi là quyền tư hữu.
- Hai là sử dụng của cải trong tinh thần liên đới và chia sẻ với mọi người, vì tài nguyên trong vũ trụ được Thiên Chúa ban chung cho mọi người.


119. H. Tội lấy của người khác cách bất công là những tội nào ?# (GLCG.417)
T. Là những tội này :
- Một là trộm cướp,
- Hai là gian lận,
- Ba là cho vay ăn lời quá đáng,
- Bốn là nhận của hối lộ hoặc thâm lạm của công.
- Năm là đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.


120. H. Tội giữ của người khác cách bất công là những tội nào ? # (GLCG.418)
T. Là những tội này :
- Một là không trả nợ,
- Hai là không hoàn lại của đã mượn hay lượm được,
- Ba là không trả tiền công xứng đáng,
- Bốn là trốn thuế,
- Năm là oa trữ của gian.


121. H. Kẻ đã lỗi đức công bình thì phải làm thế nào ? # (GLCG.420)
T. Phải hoàn trả lại những tài sản đã chiếm đoạt, và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra.


122. H. Điều răn thứ bảy dạy ta điều gì về giá trị thiên nhiên ? (GLCG.421)
T. Điều răn thứ bảy còn dạy ta tôn trọng môi sinh, sử dụng đúng đắn các thú vật, cỏ cây và vật chất vô tri giác vì ích lợi toàn diện của mọi người.



Bài 28 : Điều răn 8 : TÔN TRỌNG SỰ THẬT

“Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25)



123. H. Điều răn thứ tám dạy ta những gì ? # (GLCG.425)
T. Điều răn thứ tám dạy ta sống thành thật, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự mọi người.


124. H. Vì sao ta cần sống thành thật ? (GLCG.426)
T. Ta cần sống thành thật vì ba lẽ này :
- Một là vì Thiên Chúa là Đấng Chân thật và là chính sự thật,
- Hai là vì sự thành thật làm tăng giá trị con người,
- Ba là vì sự thành thật rất cần cho đời sống chung.


125. H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ tám ? # (GLCG.427)


T. Có những tội này :
- Một là làm chứng gian dối và bội thề,
- Hai là làm mất thanh danh người khác như : nói hành, nói xấu, và vu khống, cáo gian.
- Ba là nói dối.
- Bốn là tán dương người khác khi họ làm điều xấu.
- Năm là không làm chứng cho sự thật.


126. H. Làm chứng gian dối và bội thề là gì ? (GLCG.428)
T. Làm chứng gian dối là nói sai sự thật về người hay việc nào đó cách công khai trước những người có thẩm quyền xét xử. Khi lời nói dối kèm theo lời thề thì gọi là bội thề hay thề gian.



Bài 29 : Điều răn X : KHÔNG THAM LAM CỦA NGƯỜI

“Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được ước ao nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”. (Đnl 5,21)

127. H. Điều răn thứ mười dạy ta những gì ? # (GLCG.438)
T. Điều răn thứ mười dạy ta giữ lòng khỏi ham mê của cải quá đáng, để không tham lam muốn lấy của người khác và không ghen tỵ với người khác.


128. H. Sự tham lam làm hại ta thế nào ? # (GLCG.439)
T. Sự tham lam khiến lòng ta ra mù tối, rối loạn, phán đoán lệch lạc, phai lạt tình yêu mến và dễ sa ngã phạm tội.


129. H. Muốn chống lại tính ghen tỵ ta cần làm những gì ? # (GLCG.440)
T. Ta cần biết cầu xin sự lành cho người khác và xin ơn biết vui mừng khi họ được may lành.


PHẦN III CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KI-TÔ GIÁO đến hết


Bài 30 : PHỤNG VỤ

“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41)



130. H. Phụng vụ là gì ? # (GLCG.184)
T. Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.


131. H. Phụng Vụ có quan trọng không ? (GLCG.185)
T. Phụng Vụ rất quan trọng vì những lẽ này :
- Một là Phụng Vụ cho ta tham dự vào việc cầu nguyện của Chúa Ki-tô, hướng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.
- Hai là Phụng Vụ là nguồn mạch sự sống của Hội Thánh.
- Ba là Phụng Vụ nhằm giáo huấn và hoán cải Dân Chúa.


132. H. Ngày Chúa nhật quan trọng thế nào trong cử hành Phụng vụ ? (GLCG.198)
T. Ngày Chúa nhật rất quan trọng vì là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa đã Phục sinh. Vì thế, ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng vụ.


133. H. Năm Phụng vụ là gì ? (GLCG.199)
T. Năm Phụng vụ là thời gian Hội thánh cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô theo chu kỳ hằng năm (PV.103).


134. H. Năm Phụng vụ được tổ chức thế nào ?(GLCG.200)
T. Năm Phụng vụ được tổ chức thành các mùa, là Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa thường niên. Hội thánh cử hành năm Phụng vụ để giúp ta sống mầu nhiệm Chúa Ki-tô, hầu chuẩn bị đón Người trở lại vinh quang.


Bài 31 : BÍ TÍCH

Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng : Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7,37-38)


135. H. Bí tích là gì ? (GLCG.189)
T. Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Giê-su thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.


136. H. Có mấy Bí tích ? # (GLCG.190)
T. Có bảy Bí tích :
- Một là Bí tích Rửa tội,
- Hai là Bí tích Thêm sức,
- Ba là Bí tích Thánh thể,
- Bốn là Bí tích Hòa giải,
- Năm là Bí tích Xức dầu bệnh nhân,
- Sáu là Bí tích Truyền chức thánh,
- Bảy là Bí tích Hôn phối.


137. H. Những Bí tích nào đuợc lãnh nhận một lần mà thôi ? (GLCG.191)
T. Có ba Bí tích này, một là Bí tích Rửa tội, hai là Bí tích Thêm sức, ba là Bí tích Truyền chức thánh ; vì ba Bí tích ấy in vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được.


138. H. Cần có những điều kiện nào để lãnh nhận các Bí tích ? GLCG.194)
T. Cần có những điều kiện này :
- Một là phải đón nhận và học hiểu Lời Chúa.
- Hai là phải có đức tin và thật lòng ước muốn.


139. H. Các Bí tích có cần thiết để được cứu độ không ? (GLCG.195)
T. Đối với các tín hữu, các Bí tích cần thiết để được ơn cứu độ, vì chính Chúa Ki-tô hành động nơi các Bí tích, và Chúa Thánh Thần làm cho những người lãnh nhận nên giống Con Thiên Chúa.



Bài 32 : BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

“Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến ; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5, 14)



140. H. Bí tích xức dầu bệnh nhân là gì ? (GLCG.252)
T. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn và phần xác.


141. H. Bí tích xức dầu bệnh nhân ban những ơn nào ? (GLCG.253)
T. Bí tích xức dầu bệnh nhân ban những ơn này :
- Một là kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô để sinh ích cho chính mình và cho Hội thánh,
- Hai là ban niềm an ủi và lòng can đảm để biết chịu đựng những đau đớn của bệnh tật hoặc tuổi già theo tinh thần Ki-tô giáo,
- Ba là tha thứ các tội lỗi nếu chưa xưng được,
- Bốn là phục hồi sức khỏe phần xác nếu điều này giúp ích cho ơn cứu độ thiêng liêng,
- Năm là chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời.


142. H. Khi nào cần lãnh nhận Bí tích Xức dầu ?(GLCG.256)
T. Khi người tín hữu lâm cảnh nguy tử vì bệnh nặng hay tuổi già thì nên mời linh mục tới ban Bí tích Xức Dầu cho họ.


143. H. Của ăn đàng là gì ? (GLCG.259)


T. Là Thánh Thể Chúa Giê-su được ban cho những người sắp lìa đời, giúp họ vững mạnh tiến về đời sau.



Bài 33 : BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

“Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5, 1)

144. H. Bí tích Truyền chức thánh là gì ? (GLCG.261)
T. Là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để thông ban chức linh mục cho những người được tuyển chọn, hầu phục vụ Dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ.


145. H. Chúa Giê-su lập Bí tích Truyền chức thánh khi nào ? (GLCG.262)
T. Chúa Giê-su đã lập Bí tích này trong bữa tiệc sau hết, khi Người nói với các tông đồ rằng :"Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy"
(Lc 22,19).


146. H. Chức tư tế chung là gì ? (GLCG.263)
T. Là sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.


147. H. Chức Tư tế thừa tác là gì ? (GLCG.264)
T. Là sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô qua Bí tích Truyền chức thánh, để phục vụ cộng đoàn nhân danh Chúa Ki-tô.


148. H. Có những cấp bậc nào trong Bí tích Truyền chức thánh ? (GLCG.265)
T. Từ ban đầu, Bí tích Truyền chức thánh đã bao gồm ba cấp bậc là : Giám mục, Linh mục và Phó tế.


149. H. Người tín hữu có bổn phận nào đối với các vị chủ chăn của mình ? (GLCG.269)
T. Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện, tôn kính, vâng lời các vị chủ chăn trong các điều hợp lẽ đạo, tích cực cộng tác xây dựng Nước Chúa, đồng thời cũng phải giúp đỡ các ngài về tinh thần và vật chất nữa.



Bài 34 : BÍ TÍCH HÔN PHỐI

“Sau đó, Đức Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”(Lc 2,51-52)


150. H. Bí tích Hôn phối là gì ? (GLCG.270)
T. Là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.


151. H. Gia đình quan trọng thế nào ? (GLCG.393)
T. Gia đình là cộng đồng yêu thương căn bản mà Tạo Hoá đã xếp đặt cho nhân loại, là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội bền vững.


152. H. Gia đình Ki-tô giáo có những ý nghĩa nào ?(GLCG.394)
T. Gia đình Ki-tô giáo là một cộng đồng tình yêu theo hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, gia đình Ki-tô giáo thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội thánh. Vì thế, gia đình Ki-tô giáo được gọi là “Hội thánh tại gia”.


153. H. Tại sao gia đình Công giáo được gọi là "Hội thánh tại gia" ? (GLCG.276)
T. Vì cũng như Hội thánh, gia đình là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và siêu nhiên, là cộng đoàn truyền giáo.



Bài 35 : ƠN KÊU GỌI

“Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng :“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38)



154. H. Ơn kêu gọi là gì ? (GLCG.277)
T. Là lời Thiên Chúa mời gọi mỗi người vào một bậc sống nào đó ; nhưng thông thường thì ơn kêu gọi được hiểu là tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong hàng giáo sĩ.


155. H. Có dấu nào cho biết mình có ơn kêu gọi ?(GLCG.278)
T. Có ba dấu này :
- Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa,
- Hai là có đủ điều kiện Hội thánh qui định,
- Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.


156. H. Người muốn dâng mình cho Chúa thì phải làm gì ? (GLCG.279)
T. Phải cầu nguyện, suy nghĩ, xin người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.


Bài 36 : CÁC PHỤ TÍCH

“Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng... Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,13.13)



157. H. Phụ tích là gì ? (GLCG.282)
T. Phụ tích là những dấu hiệu linh thiêng do Hội thánh lập ra để chuẩn bị người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các Bí tích và để thánh hóa những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.


158. H. Có mấy thứ Phụ tích ? (GLCG.284)
T. Có ba thứ :
- Một là việc chúc lành cho người, đồ dùng hoặc nơi chốn,
- Hai là nghi thức thánh hiến người, đồ dùng hoặc nơi cử hành Phụng vụ,
- Ba là nghi thức trừ khử ma quỉ.


159. H. Việc đạo đức bình dân có giúp ích gì cho đời sống thiêng liêng không ? (GLCG.285)
T. Ngoài Phụng vụ, đời sống Ki-tô giáo còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân, bắt nguồn từ những nền văn hóa khác nhau. Những hình thức đạo đức này rất có ích và được Hội thánh cổ võ, nhưng cần làm sao để chúng được hoà nhịp và hướng đến sinh hoạt phụng vụ của Hội thánh.


160. H. Ta phải tôn kính ảnh tượng thế nào cho hợp với điều răn thứ nhất ? (GLCG.382)
T. Vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm hữu hình, nên ta có thể dùng ảnh tượng để hướng lòng về Thiên Chúa cũng như để tôn kính và noi gương các thánh.


Bài 37 : BÍ TÍCH THÊM SỨC

“Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19,6)



161. H. Bí tích Thêm sức là gì ? (GLCG.215)
T. Là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để ban Chúa Thánh Thần, giúp người tín hữu sống hoàn hảo hơn Bí tích Rửa tội, liên kết mật thiết với Hội thánh và làm chứng cho Chúa Ki-tô.


162. H. Những ai có quyền ban Bí tích Thêm sức ?(GLCG.216)
T. Thừa tác viên thông thường là Giám mục và những Linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ Linh mục nào cũng
đều có nhiệm vụ ban Bí tích này (GL 883, 3).


163. H. Khi ban Bí tích Thêm sức thì cử hành những nghi thức nào ? (GLCG.217)
T. Khi ban Bí tích Thêm sức, vị chủ lễ làm những nghi thức này :
- Một là đặt tay trên đầu thỉnh viên và cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống.
- Hai là xức dầu trên trán và đọc :"Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần".
- Ba là chúc bình an.


164. H. Bí tích Thêm sức có ghi dấu ấn thiêng liêng trong linh hồn không ? (GLCG.218)
T. Cũng như Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức in trong linh hồn người tín hữu một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được.


165. H. Những ai được lãnh Bí tích Thêm sức ?(GLCG.219)
T. Những người đã được rửa tội và đến tuổi khôn, sạch tội trọng, học giáo lý đầy đủ và quyết sống đúng bổn phận Ki-tô hữu. Ngoài ra, cần có người đỡ đầu.


Bài 38 : SỐNG BÍ TÍCH THÊM SỨC

“Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14)



166. H. Khi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, ta có những bổn phận nào ? (GLCG.220)
T. Ta có ba bổn phận này :
- Một là can đảm thực hành Lời Chúa để làm chứng cho Chúa Ki-tô trong cuộc sống thường ngày.
- Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
- Ba là tích cực bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.


167. H. Thiên Chúa muốn ta sống trong xã hội như thế nào ? (GLCG.333)
T. Thiên Chúa muốn ta sống hài hòa với mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương theo mẫu mực Ba Ngôi Thiên Chúa.


168. H. Người Ki-tô hữu có bổn phận nào đối với xã hội ? (GLCG.336)
T. Người Ki-tô hữu cần tích cực hoán cải nội tâm và cổ võ công bằng bác ái, đồng thời góp phần đổi mới các định chế và điều kiện sống trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.


169. H. Ta phải tham gia xây dựng ích chung thế
nào ? (GLCG.341)
T. Ta phải tham gia bằng những cách này :
- Một là chu toàn các trách nhiệm cá nhân trong xã hội,
- Hai là tích cực góp phần vào sinh hoạt chung,
- Ba là sống đúng theo các đòi hỏi của lương tâm trong các bổn phận xã hội.


Bài 39 : HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

“Những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4)



170. H. Hoạt động tông đồ, nghĩa là gì ?
T. Là làm những việc có mục đích giúp cho người khác biết và tin theo Chúa Giê-su (x. Sl.TĐGD Số 2)


171. H. Ta có nhiệm vụ hoạt động tông đồ không ?
T. Có. Tất cả mọi người Ki-tô hữu đều có nhiệmvụ mở rộng Nước Chúa, tham gia các hoạt động tông đồ, truyền giáo (x. Sl. TĐGD số 2).


172. H. Ta hoạt động tông đồ như thế nào ?
T. Ta có thể hoạt động tông đồ theo hình thức cá nhân hay tập thể như thăm viếng, dạy giáo lý và các sinh hoạt tông đồ của Hội thánh (x.Sl.TĐGD 15-22).


173. H. Vì sao Hội thánh có sứ mạng truyền giáo ?(GLCG.126)
T. Vì :
- Một là Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.
- Hai là Hội thánh có bổn phận đem chân lý được Chúa trao phó đến cho mọi người.
- Ba là chính Chúa Ki-tô, trước khi về trời đã sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.



PHẦN IV: KINH NGUYỆN KI-TÔ GIÁO

Bài 40 : VIỆC CẦU NGUYỆN

“Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11, 1)



174. H. Cầu nguyện là gì ? (GLCG.442)
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu thương.


175. H. Tại sao ta phải cầu nguyện ? (GLCG.443)
T. Vì cầu nguyện liên kết ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống. Hơn nữa, Người vẫn hằng kêu mời và chờ đợi ta đến thưa chuyện với Người.


176. H. Ai là mẫu gương cầu nguyện?(GLCG.447)
T. Chính Chúa Giê-su là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất.


177. H. Ai là Thầy dạy ta cầu nguyện ? (GLCG.451)
T. Chính Chúa Thánh Thần, vì Người được sai đến để dạy dỗ và nhắc lại cho chúng ta tất cả những gì Chúa Giê-su đã dạy.


Bài 41 : ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

“Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26, 41)



178. H. Ta có thể cầu nguyện khi nào ? (GLCG.452)
T. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào trong cuộc sống như tạ ơn Chúa khi lãnh nhận những ơn lành, ngợi khen Chúa khi ta hân hoan vui sướng và có thể xin Người ban cho ta, hay cho người khác những ơn cần thiết.


179. H. Ta có thể cầu nguyện ở đâu ? (GLCG.459)
T. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện. Ngoài ra, những nơi thanh vắng, cô tịch ... cũng thích hợp cho việc cầu nguyện.


180. H. Đâu là cao điểm của việc cầu nguyện ?(GLCG.454)
T. Chính là lúc ta gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa là Cha. Nhưng để đến được với Cha, ta phải nhờ Chúa Giê-su là con đường duy nhất, như Người đã nói : “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).


181. H. Ta có được liên kết với Đức Ma-ri-a khi cầu nguyện không ? (GLCG.456)
T. Có, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Cho nên khi cầu nguyện, ta hãy liên kết với Mẹ mà ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa, và xin Mẹ chuyển cầu cho ta.


182. H. Các Thánh có giúp ta trong việc cầu nguyện không ? (GLCG.457)
T. Có. Vì các Thánh là những người đã được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên các ngài có thể chuyển cầu cho ta trước tòa Thiên Chúa.


183. H. Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội thánh khuyên ta làm gì ? (GLCG.461)
T. Hội thánh khuyên ta thực hiện nhịp độ cầu nguyện trong ngày như ban sáng, ban tối, trước các bữa ăn ; nhất là tham dự Thánh lễ.


NHỮNG KINH CẦN THUỘC


1. KINH SẤP MÌNH


Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa, con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhậm lời con nguyện. Lạy Chúa xin hãy mở miệng lưỡi con ra thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.


2. KINH VÌ DẤU (dấu kép)


Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh giá, xin chữa chúng con cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men.


3. KINH TRUYỀN TIN


- Đức Chúa Trời sai Thánh thiên thần truyền tin cho rất Thánh Đức Bà Ma-ri-a.
+ Và rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.


- Kính mừng... + Thánh Ma-ri-a...


- Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
+ Tôi xin vâng như lời Thánh thiên thần truyền.


- Kính mừng... + Thánh Ma-ri-a...


- Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người.
+ Và ở cùng chúng con.


- Kính mừng... + Thánh Ma-ri-a...


- Lạy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
+ Đáng chịu lấy những sự Chúa Ki-tô đã hứa.


Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Ki-tô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được lên nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Ki-tô là Chúa chúng con. A-men.


4. KINH THỜ LẠY


Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài, Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác, cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. A-men.


5. KINH ĐỘI ƠN


Lạy Chúa, con đội ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho con xưa nay, nhất là đã dựng nên con và cho Con Chúa chịu nạn chịu chết mà cứu chuộc con, lại chọn lấy con làm con Hội thánh nữa. A-men.


6. KINH PHÙ HỘ


Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng đã thương để chúng con đến sớm mai này, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ chúng con trót ngày hôm nay khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa. Vì công nghiệp Đức Chúa
Giê-su, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. A-men.


7. KINH SÁNG SOI


Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. A-men.


8. KINH HÃY NHỚ


Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Ma-ri-a là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi.


Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. A-men.


9. KINH XÉT MÌNH


Lạy Chúa là sự sáng linh hồn con, xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, hoặc lo, hoặc nói, hoặc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con lại xin Chúa vì công nghiệp Đức Chúa Giê-su ban ơn cho con được ăn năn ghét tội cùng dốc lòng chừa thật. A-men.


10. PHÉP LẦN HẠT NGẮM TẮT


NĂM SỰ VUI


Thứ nhất thì ngắm : Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.


Thứ hai thì ngắm : Đức Bà đi viếng bà Thánh I-sa-ve. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.


Thứ ba thì ngắm : Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.


Thứ bốn thì ngắm : Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.


Thứ năm thì ngắm : Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong Đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.


NĂM SỰ THƯƠNG


Thứ nhất thì ngắm : Đức Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.


Thứ hai thì ngắm : Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.


Thứ ba thì ngắm : Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.


Thứ bốn thì ngắm : Đức Chúa Giê-su vác cây thánh giá. Ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.


Thứ năm thì ngắm : Đức Chúa Giê-su sống lại. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.


NĂM SỰ MỪNG


Thứ nhất thì ngắm : Đức Chúa Giê-su sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.


Thứ hai thì ngắm : Đức Chúa Giê-su lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.


Thứ ba thì ngắm : Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.


Thứ bốn thì ngắm : Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.


Thứ năm thì ngắm : Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên đàng.

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét
Recommended Posts × +