Pages

Newsletter

About Big Vines

Technology

Internet

NHỮNG CHIỀU KÍCH CĂN BẢN CỦA GIÁO LÝ

I. Mục Đích Giáo Lý
1. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, thuật ngữ “giáo lý” (=huấn giáo) được dùng để chỉ toàn bộ nỗ lực được huy động trong Giáo Hội nhằm:

- Để đào tạo môn đệ,
- Để giúp con người tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, hầu nhờ đức tin, họ được sống nhân danh Người,
- Để giáo dục và chỉ dẫn tín hữu trong cuộc sống đời này, và như thế, xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Đức Kitô .[1]


2. Như vậy, chủ đích của “giáo lý (huấn giáo) là giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên và người lớn, gồm đặc biệt là việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo một cách có tổ chức và hệ thống, nhằm khai tâm tín hữu vào cuộc sống Kitô hữu toàn diện”[2], nghĩa là:
- Dẫn đưa con người vào trong sự hiệp thông với Chúa Kitô. Chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta tới tình yêu trong Chúa Thánh Thần, và cho ta được thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa[3].
- Giúp cho Lời Chúa được suy niệm trong việc cầu nguyện cá nhân của mỗi tín hữu, được hiện tại hóa trong phụng vụ và được nội tâm hoá ở mọi lúc, mọi thời đại hầu sinh hoa trái trong đời sống mới [4].
- Lưu tâm, nhận xét lòng đạo đức bình dân và để giáo dục về lòng đạo đức đo. Sự thuộc lòng một số kinh căn bản có thể là chỗ dựa rất cần thiết cho đời sống cầu nguyện, nhưng điều quan trọng là phải giúp cho các học viên nếm được ý vị của kinh nguyện đó [5].


II. Giáo Dục Đức Tin [6]:
Công cuộc giáo dục đức tin có nhiều mức độ:
- Truyền thông kiến thức tôn giáo: Học – hiểu - nhớ giáo lý
- Biến cải bản thân: Một ý chí quyết tâm biến cải đời sống – một thái độ sống mới. Ai nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành mới là môn đệ Ta (Lc 8, 21).
- Đưa vào một đời sống mới của Chúa Giêsu: Sự hoán cải đưa tín hữu đến một sự kết hiệp với Thiên Chúa, qua Con của Người là Chúa Giêsu Kitô.

III. Đặc Điểm Cơ Bản Của Việc Dạy Giáo Lý [7]
- Việc dạy giáo lý phải tiến hành trong đức tin của người dạy và học với sự tham gia tích cực và tự nguyện, đặt trong sự hiệp thông với Chúa Kitô và dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
- Dạy giáo lý là hình thức giáo huấn của Giáo Hội về những điều căn bản của đức tin Kitô giáo, trong đó trình bày cách chặt chẽ, có hệ thống theo một chương trình, với mục đích rõ rệt và mực độ ngày càng cao, dần dần giúp tín hữu đi sâu vào các mầu nhiệm Kitô giáo nhằm xây dựng, củng cố đời sống Kitô hữu ngày càng nên trọn lành hơn. Không dạy giáo lý cách tùy hứng, thiếu chuẩn bị. Không nên tối thiểu hóa tầm quan trọng của việc này.
- Dạy về những điểm cốt yếu, không có tham vọng dạy tất cả mọi vấn đề trong Kitô giáo.
- Dạy giáo lý là truyền đạt Lời Chúa qua ngôn ngữ con người, trong truyền thống đức tin của Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
- Giảng dạy phải đầy đủ, toàn diện. Mỗi độ tuổi phải có ngay cái nhìn toàn bộ về các mầu nhiệm Kitô giáo, có thể đơn giản nhưng tạm đầy đủ tương xứng với tuổi đó (mô hình cây cành).
- Việc dạy giáo lý luôn luôn gắn liền với sinh hoạt phụng vụ và sinh hoạt bí tích.

IV. Canh Tân Giáo Lý [8]
Cuộc canh tân giáo lý trải qua ba giai đoạn: Canh tân chủ đích, canh tân phương pháp, và canh tân nội dung.
1. Canh Tân Phương Pháp
Cải tiến phương pháp dạy giáo lý bằng cách đem áp dụng thích ứng những quy luật tâm lý và sư phạm vào Huấn giáo:
- Ap dụng nguyên tắc chủ động, hướng đến học sinh là chủ thể tham gia tích cực bằng việc sử dụng các phương pháp đàm thoại, nêu vấn đề, thực nghiệm (cảm nghiệm), đọc âm vang, thảo luận…
- Sử dụng các phương tiện thính thị: tranh ảnh, phim ảnh, mô hình, sơ đồ…
- Tạo ra bầu khí lớp học sinh động, vui tươi với sự tham gia xây dựng nội dung bài học cách tích cực của học sinh.
2. Canh Tân Nội Dung [9]
Từ Công đồng Vatican II, Giáo Hội nỗ lực canh tân giáo lý từ phương pháp đến nội dung. Tiêu biểu cho nỗ lực canh tân nội dung giáo lý của Giáo Hội là sự ra đời cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (còn gọi là Sách Giáo Lý Chung) được ĐGH Gioan Phaolô II công bố quaTông hiến Kho Tàng Đức Tin, ngày 11.10.1992.
3. Canh Tân Chủ Đích
Giáo Hội cũng xét lại chủ đích Huấn giáo:
- Chú trọng đến con người là chủ thể đón nhận Lời Chúa.
- Chú trọng đến hoàn cảnh của chủ thể đón nhận.
- Hướng tới giáo dục người tín hữu trưởng thành trong đức tin.
4. Tóm lại: Canh tân huấn giáo đáp ứng 2 nhu cầu là: đào sâu kho tàng bất tận của Mặc khải (nội tại), và đáp ứng được những đòi hỏi của thế giới luôn biến đổi để thích nghi với thời đại (ngoại tại).

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét
Recommended Posts × +