Chào Mừng Các Bạn đến với Trang Giáo lý Langminhnews. Cứ yêu rồi làm điều gì mình muốn – T. Augustinô.

Dẫn vào Kinh Thánh

DẪN VÀO KINH THÁNH
Các em thân mến,
Trong suốt thời gian học Giáo Lý "Hồng ân" Cấp I, II, III vừa qua, các em đã được đọc, nghe nhiều Lời
Chúa. Hy vọng các em đang được sức sống của Lời Chúa nuôi dưỡng để trở thành con ngoan của Thiên Chúa.
Hôm nay các em cần phải có cái nhìn tổng quát về Thánh Kinh để phát huy sức sống dồi dào của Lời Chúa: " LỜI CHÚA có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin cho con cái Hội Thánh, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng đáng hợp cho Thánh Kinh: "Thực vậy, Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm (Hr 4, 12), có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hoá" (Hc. MK 21).

Chúc các em thành công .
GIÁO LÝ HỒNG ÂN.

Bài 1 : THÁNH KINH

1. H. Thánh Kinh là gì ?

T. Thánh Kinh là những LỜI của Thiên Chúa nói với loài người được ghi chép lại dưới ơn soi sáng (Linh ứng ) của Chúa Thánh Thần và được Hội Thánh công nhận, như thư gởi Tín hữu Do Thái viết : "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các Ngôn sứ mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Thánh Tử" (Dt 1, 1-2).

2. H. Thánh Kinh có nội dung chính yếu nào?

T. Thánh Kinh ghi lại kế hoạch Cứu Độ do Thiên Chúa có sáng kiến, loan báo và thực hiện trong lịch sử loài người. Đó chính là lịch sử của ĐẤNG CỨU THẾ vì Người là trung tâm và tột đỉnh của Thánh Kinh: Trong Cưu Ước , Người được các Ngôn sứ loan báo, và trong Tân Ước, Người được các Tông đồ minh chứng.

3. H. Thánh Kinh gồm những phần chính yếu nào ?

T. Thánh Kinh gồm 73 cuốn được chia làm hai phần chính: Cựu ước và Tân ước :

1. Cựu ước gồm 46 cuốn viềt từ khoảng năm 1.000 trước Chúa Giêsu giáng sinh.

2. Tân ước gồm 27 cuốn được viết từ sau Chúa Giêsu về trời đến năm Tông đồ Gioan chết (khoảng năm 100).

4. H. Ai là tác giả của sách Thánh Kinh ?

T. Chính Thiên Chúa là tác giả của sách Thánh Kinh. Người đã soi sáng (linh ứng) cho các Thánh Ký dùng tài năng của mình và ngôn ngữ loài người để viết những gì Thiên Chúa muốn nói với loài người.

BÀI 2 : GIAO ƯỚC

5. H. GIÁO ƯỚC là gì ?

T. Giao ước là lời cam kết giữa hai bên về những gì mà họ phải làm cho nhau. Cam kết này có thể thực hiện giữa :

- 2 bên bình đẳng (như giữa vợ chồng trong Hôn nhân)

- hoặc, 2 bên không bình đẳng (như giữa phe thắng và phe thua trận, hay giữa Thiên Chúa và loài người,...)

6. H. Giao ước trong Thánh Kinh có ý nghĩa gì?

T. Giao ước trong Thánh Kinh chỉ mối tương giao hay liên kết mà Thiên Chúa thiết lập :

- Hoặc với toàn thể loài người trong bản thân Ông NÔ-E (St 9, 9-17);

- Hoặc với một người, như ông Ab-ra-ham (St 15, 18) hoặc vua Đa-vít (Tv 89, 4-5)

- Hoặc với một dân tộc Ít-ra-en (Xh 19, 5-6)

Giao ước ấy luôn luôn có kèm theo một lời hứa và thường được ký kết bằng một hy lễ (St 15, 7-19; Xh 24, 3-8).

7. H. Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người có nội dung thế nào?

T. Nội dung chính yếu của Giao ước này là :

a. Về phía Thiên Chúa: Người cam kết thương yêu và cứu chuộc loài người;

b. Về phía loài người (Ít-ra-en là đại diện): công nhận Đức Gia-vê là Thiên Chúa độc nhất phải tôn thờ và sống theo Luật do Người ban hành.

8. H. Việc thực hiện Giao ước đó thế nào ?

T. Về phía Thiên Chúa, Người luôn trung thành; còn về phía loài người, đã nhiều lần vi phạm, bất trung, Thiên Chúa đã sai các Ngôn sứ đến nhắc nhở, cảnh tỉnh và răn đe để kêu gọi loài người (Ít-ra-el) sám hối. Khi họ ngoan cố, Thiên Chúa trừng phạt để cảnh tỉnh họ trở về cùng Người.

9. H. Giao ước đó có được lặp lại và hoàn chỉnh không?

T. Có. Qua dòng lịch sử cứu độ, Giao ước đó được lặp lại và hoàn chỉnh nhiều lần qua các trung gian :

1) Nô-e (x. St 9, 11)

2) Abraham (x. St 15, 24)

3) Mô-sê (x. Xh 19, 24)

4) Đa-vít (x.2 S 7-14)

5) Hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô (Giao ước mới)

10. H. Khi nói Giao ước cũ (Cựu Ước), thường được hiểu về Giao ước nào?

T. Đó là Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Ít-ra-el tại Núi Si-nai do Mô-sê làm trung gian vào khoảng thế kỷ 13 trước Kỷ nguyên.

11. H. Giao ước mới là giao ước nào ?

T. Đó là Giao ước mà Thiên Chúa nhờ các Ngôn sứ loan báo sẽ thiết lập vào thời cuối cùng (x.Gr 31, 31-34) và được hoàn thành qua cái chết của Chúa Giê-su trên Thập giá. Giao ước mới ấy liên hệ đến toàn thể loài người (x. Mt 26,28).

12. H. Sống trong Giao ước mới, chúng ta phải làm gì ?

T. Được hưởng ơn cứu độ do giá máu của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta phải biết đón nhận tình thương của Thiên Chúa, luôn trung thành với Người bằng cách sống theo Lời Người dạy.

BÀI 3 : SÁCH THÁNH KINH CỰU ƯỚC

13. H. Sách Thánh Kinh Cựu Ước là những sách nào ?

T. Sách Cựu Ước là những sách thánh được viết từ khoảng năm 1000 đến năm 100 trước kỷ nguyên, ghi lại GIAO ƯỚC giữa Thiên Chúa và dân Israel, chuẩn bị ban Đấng Cứu Thế.

14. H. Sách Cựu Ước gồm bao nhiêu cuốn và chia làm mấy loại ?

T. Sách Cựu Ước gồm 46 cuốn và chia làm 4 loại :

1) Ngũ kinh : 05 cuốn đầu tiên trong bộ Thánh Kinh ;

2) Lịch sử : 16 cuốn;

3) Giáo huấn : 07 cuốn;

4) Ngôn sứ : 18 cuốn;

15. H. Sách Cựu Ước dạy ta những chân lý căn bản nào ?

T. Sách Cựu Ước dạy ta những chân lý căn bản này :

1) Chỉ có MỘT THIÊN CHÚA là Đấng độc nhất ta phải tôn thờ;

2) Thiên Chúa hằng yêu thương và trung thành với lời giao ước;

3) Dù loài người (Ít-ra-el) phản bội, Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, chuẩn bị thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ;

4) Khi dân trung thành, Thiên Chúa phù trợ, che chở; khi dân bất trung, Thiên Chúa cảnh tỉnh bằng những tai ương.

16. H. Cựu Ước có tương quan gì với Tân Ước ?

T. "Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước ... Các sách Cựu Ước đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước . Ngược lại, Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước " (Hc. MK số 16)

BÀI 4 : CÁC ĐẠI LỄ TRONG DO THÁI GIÁO

17. H. Trong Do Thái giáo, có những ngày lễ lớn nào ?

T. Có 3 lễ này :

1) LễVượt Qua;

2) Lễ Ngũ Tuần;

3) Lễ Lều Trại;

18. H. Lễ Vượt Qua là lễ gì ?

T. Đó là ngày Đại lễ mà người Do Thái cử hành vào Mùa Xuân đễ kỷ niệm việc Xuất Hành ra khỏi đất Ai Cập. Lễ được bắt đầu cùng với những ngày "ăn bánh không men", và bữa tiệc gia đình, trong đó người ta ăn Chiên Vượt Qua. (x. Xh 12,1-14)

19. H. Nguồn gốc lễ qua như thế nào ?

T. Có lẽ từ lúc đầu có 2 lễ khác nhau :

- Lễ Vượt Qua là Lễ Hội Mùa Xuân của các dân du mục. Họ có thói quen thiêu tế một con chiên để cầu xin được phú túc. Máu chiên bôi trên ngạch cửa để trừ tà. Mô-sê đã lấy lại và biến thành lễ đặc biệt của Dân Ít-ra-en.

- Lễ "ăn bánh không men" là Lễ Hội Nhà Nông của dân Ca-na-an bản xứ. Trong suốr 7 ngày, người ta ăn bánh làm bằng bột lúa mới gặt không có trộn men.

Vào cuối thời quân chủ, người ta sát nhập 2 lễ thành một để kỷ niệm biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai Cập của dân Do-thái.

20. H. Tại sao gọi là Lễ Vượt Qua ?

T. Đó là lễ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân Ít-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ của người Ai-cập. Biến cố này đã có những việc trọng đại đáng kể :

1) Thần sứ Gia-vê " vượt qua" nhà dân Ít-ra-en có máu chiên bôi trên thành cửa, không vào giết các con đầu lòng ;

2) Dân Israel đã "vượt qua" Biển Đỏ bình an khi quân Ai-cập đuổi theo;

3) Dân Israel đã "vượt qua" sa mạc trong 40 năm với bao nỗi cam go, thử thách trước khi vào Đất Hứa.

21. H. Lễ Vượt Qua được mừng vào ngày nào?

T. Theo lịch Do-thái, Lễ Vượt Qua bắt đầu từ chiều ngày 14 tháng Ni-san và kéo dài 7 ngày. So với Dương lịch, lễ này xê dịch từ ngày 26. 03 đến 24. 04 hàng năm (x. Xh 45, 21)

22. H. Lễ Ngũ Tuần (Năm mươi) là lễ nào?

T. Đó là Đại lễ được cử hành 50 ngày sau khi dâng bó lúa đầu tiên, tức là đúng 7 tuần lễ sau lễ "Bánh không men". Trong dịp lễ này, người ta dâng trong đền thờ bánh làm bằng bột lúa mới gặt và nhiều lễ vật khác. Lúc đầu lễ này chỉ là một LỄ HỘI NHÀ NÔNG. Về sau, được cử hành với mục đích ghi nhớ việc Thiên Chúa ban lề luật cho Dân Người tại núi Sinai.

23. H. Lễ Lều trại là lễ gì ?

T. Lễ Lều trại còn gọi là Lễ THUHOẠCH được cử hành vào tháng 9, tức là Tạ ơn Thiên Chúa đã phù hộ cho dân trong Sa mạc cũng như ban cho được thu hoạch hoa trái hàng năm. Cuộc lễ được mừng trong ngày. Trong suốt những ngày này, dân Ít-ra-en trẩy hội ở trong những chiếc lều hay căn nhà làm bằng cành lá cây. Đây là Đại lễ mang tính bình dân và vui tươi nhất trong năm.


BÀI 5 : SÁCH THÁNH KINH TÂN ƯỚC

24. H. sách Thánh Kinh Tân Ước là những sách nào ?

Sách Tân Ước là những sách thánh được ghi chép từ sau Chúa Giê-su về trời cho đến năm thánh Gioan Tông đồ qua đời (khoảng năm 100).

25. H. Tại sao gọi là Tân Ước ?

T. Gọi là Tân Ước vì đây là những sách thánh nói đến GIAO ƯỚC MỚI được ký kết giữa Thiên Chúa và toàn thể loài người do Chúa Giêsu Kitô làm TRUNG GIAN. Giao Ước này được thiết lập bằng chính Máu của Chúa Giê-su.

26. H. Sách Tân Ước chia làm mấy loại ?

T. Sách Tân Ước gồm 27 cuốn chia làm 3 loại :

1) Lịch sử : 5 cuốn gồm 04 sách Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ;

2) Giáo huấn : 21 cuốn gồm các thư của thánh Phaolô và 7 thư chung;

3) Ngôn sứ : 01 cuốn là sách Khải Huyền.

27. H. Sách Tân Ước dạy ta những gì ?

T. Sách Tân Ước dạy ta biết về Chúa Giê-su và công trình của Người.

Thật vậy :

- Các sách Tin Mừng ghi lại lời rao giảng đầu tiên của các Tông về đời sống và cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Giê-su;

- Sách Công vụ các Tông đồ ghi lại bước đầu của Hội thánh nơi ngươì Do-thái và dân ngoại;

- Các thư giải thích và đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu ;

- Và sách Khải Huyền, dùng những hình ảnh kỳ diệu mô tả cuộc chiến đấu và toàn thắng của Nước Thiên Chúa.


BÀI 6 : THÀNH VÀ ĐỀN THỜ YÊRUSALEM

28. H. Người Do-thái thời Chúa Giê-su thường họp nhau cầu nguyện ở đâu ?

T. Thời Chúa Giê-su, người Do-thái thường hôị họp nhau cầu nguyện tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem và trong các Hội đường.

29. H. Thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng ở đâu?

T. Thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên một ngọn núi cao khoảng 800 mét - mà Cựu Ước thường gọi một cách thi vị là "núi Sion" giữa vùng sơn cước Giu-đê - Phía Bắc liền vơí núi Giu-đê, phía Tây và Nam giáp thung lũng Hinnom và phía Đông giáp thung lũng Hê-ron.

30. H. Thành Giê-ru-sa-lem trở thành kinh đô của Ít-ra-en khi nào ?

T. Trước kia, Giê-ru-sa-lem là thành của dân Ca-na-an bản xứ. Vào khoảng năm 1000, vua Đa-vít mang quân chiếm lấy, và biến thành Kinh đô chính trị và tôn giáo của Ít-ra-en. Giê-ru-sa-lem từ đó được gọi là "Thành Thánh" vì có sự hiện diện của Hòm Bia Giao Ước, và còn mang tên "Kinh thành của vua Đa-vít"

31. H. Ai đã xây Thành và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem ?

T. Vua Đa-vít đã xây thành và vua con là Sa-lô-môn đã xây Đền thờ Giê-ru-sa-lem.

32. H. Thành và Đền thờ đó bị phá hủy khi nào?

T. Năm 589 trước Kỷ nguyên, Na-bu-cô-đô-nô-so, vua Ba-by-lon đã chiếm và phá hủy Thành và Đền thờ đó.

33. H. Thành và Đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng năm nào ?

T. Năm 589 trước Kỷ nguyên, Ét-ra; Nơ-khe-mi-a đã giải phóng dân Ít-ra-en và xây lại nhưng nhỏ bé nghèo nàn hơn xưa. Khoảng năm 20 trước kỷ nguyên, Hê-rô-đê Đại Đế xây lại Đền thờ và tới năm 64 sau Kỷ nguyên mới hoàn thành. Thành và Đền thờ này lại bị Tướng Ti-tô phá hủy vào năm 70 sau Kỷ nguyên.

34. H. Thời Chúa Giê-su, Thành và Đền thờ Giê-ru-sa-lem như thế nào ?

T. Thời Chúa Giê-su, thành Giê-ru-sa-lem có tường bao vây chung quanh, chu vi khoảng 4500 thước, có chừng 100.000 dân cư ngụ. Đền thờ Giê-ru-sa-lem ở phía Bắc Thành : phía Nam dài 283 thước, phía Bắc dài 317 thước, phía Đông dài 474 thước, phía Tây dài 490 thước với những cột đá cao lớn làm thành hành lang bao vây bốn mặt.

35. H. Đền thờ Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa gì đối với người Do-thái ?

T. Đền thờ Giê-ru-sa-lem là niềm kiêu hãnh của toàn dân Ít-ra-en, là nơi Thiên Chúa ngự và là trung tâm đời sống tôn giáo của dân Chúa. Định mệnh Ít-ra-en được gắn liền với Đền thờ. Mọi người dân Ít-ra-en từ 12 tuổi trở lên, dù ở phương trời nào, cũng phải hành hương Đền thờ mỗi năm 3 lần vào các dịp lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Lều Trại.

36. H. Hội đường nơi nào ?

T. Hội đường là toà nhà chung, nơi cộng đoàn Do-thái địa phương tụ họp vào mỗi ngày thứ Bảy (ngày Sa-bát) để đọc kinh, đọc và giải thích Sách Thánh và dạy Giáo lý. Hội đường thường có ông Trưởng Hội đường quản trị và có Phụ tá giúp việc. Hội đường thường được xây cất theo hình chữ nhật, mặt trước hướng về Giê-ru-sa-lem, bên trong có đặt một cuốn Thánh Kinh.

"Hằng năm Cha Mẹ đi lên Giê--ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt qua. Khi Ngài lên 12 tuổi, Ông Bà cũng lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ theo thói quen" (Lc 2,41)


BÀI 7 : KHUNG CẢNH LỊCH SỬ DÂN DO-THÁI THỜI CHÚA GIÊ-SU.

37. H. Chúa Giê-su sinh ra ở đâu ?

T. Chúa Giê-su sinh ra ở Bê-lem trong xứ Giu-đê-a miền Pa-lét-tin.

38. H. Pa-lét-tin là miền đất nào ?

T. Pa-lét-tin là miền đất nằm ở Trung Đông. Tên gọi và biên giới đã thay đổi tuỳ theo thời cuộc:

1) Thời Tổ phụ Ab-ra-ham gọi là đất Ca-na-an;

2) Khi dân Phi-li-tinh chiếm, gọi là Pa-lét-tin;

3) Khi dân Ít-ra-en chiếm lại đuợc thì lập ra nước Ít-ra-en;

4) Sau thời Sa-lô-môn, Nước bị chia đôi : Miền Bắc gọi là Ít-ra-en, Miền Nam thuộc chi họ Giu-đa nên gọi là Giu-đê-a (Do-thái);

5) Vào năm 587 trước Kỷ nguyên, Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, người ngoại quốc đến cư ngụ ở miền Trung làm thành một dân pha trộn gọi là Sa-ma-ri-a;

6) Từ năm 1948 sau Kỷ nguyên đến nay, người Do-thái tiếp tục trở về Pa-lét-tin để tái lập Ít-ra-en.

39. H. Thời Chúa Giê-su, Pa-lét-tin như thế nào?

T. Pa-lét-tin thời Chúa Giê-su có diện tích khoảng 30.000 km2, phía Tây giáp Địa Trung Hải, phía Đông có sông Gio-dan xuyên qua hồ Ti-bê-ri-a và chảy vào Biển Chết, phía Nam giáp Ai-cập và Ê-thi-ô-pi, phía Bắc giáp xứ Sy-ri và Li-ban.

40. H. Thời ấy, Pa-lét-tin chia làm mấy miền?

T. Pa-lét-tin là một xứ đồi núi chia làm 3 miền vào thời Chúa Giê-su :

1) Miền Bắc gọi là Ga-li-lê, là miền cao nguyên có người Do-thái và Dân ngoại sống chung, buôn bán thịnh vượng;

2) Miền Trung gọi là Sa-ma-ri, do dân ngoại chiếm ngụ, không đồng tôn giáo với người Do-thái;

3) Miền Nam gọi là Giu-đê do người Do-thái chính tông cư ngụ.

41. H. Tình hình chính trị của Pa-lét-tin thời Chúa Giê-su thế nào ?

T. Vào thời Chúa Giê-su, Pa-lét-tin là một thuộc địa của đế quốc Rô-ma chia làm 3 miền do các nhà cầm quyền Rôma cai trị :

1) Miền Bắc do vua Hê-rô-dê An-ti-pa cai trị;

2) Miền Sa-ma-ri-a và Giu-đê do vua A-khê-lao cai trị, sau bị truất phế, Rô-ma đặt Tổng trấn cai trị. Thời Chúa Giê-su, Tổng trấn Phông-xi-ô Phi-la-tô cai trị.

42. H. Cơ quan nào giữ quyền bính tối cao trên dân Do-thái ?

T. Về mặt tôn giáo, dân Do-thái được hướng dẫn bởi Hội đồng Tối cao gồm 71 thành viên được tuyển chọn giữa các Vị Thượng tế, Ký lục và Kỳ lão đương nhiệm.

Hội đồng Tối cao Do thái có nhiệm vụ gìn giữ trật tự chung, điều hành đời sống tôn giáo, có quyền thu vài thứ thuế và có quyền xét xử.

43. H. Giới lãnh đạo thời Chúa Giê-su gồm những ai ?

T. Giới lãnh đạo Do-thái Giáo gồm :

1) Thầy Thượng Tế : Trước thời vua Hê-rô-đê, chức Thượng tế có tính cách cha truyền con nối. Nhưng về sau, chánh quyền Rô-ma dành toàn quyền áp đặt vị Thượng tế nào có lợi cho họ. Chức vụ này không tồn tại sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70.

2) Các Kỳ lão : là các Trưởng Gia đình có thế giá, nắm giữ một vài quyền bính thuộc phạm vi dân sự và tôn giáo.

3) Các Ký lục : Thời Chúa Giê-su, đó là những chuyên viên về Thánh Kinh Cựu Ước .

44. H. Sách Tân Ước đã nói tới mấy bè phái trong Dân Do-thái ?

T. Sách Tân Ước đã nói tới 2 bè phái : Các Pha-ri-sêu (hay Biệt phái) và các Sa-đu-

45. H. Các Pha-ri-sêu là ai ?

T. Pha-ri-siêu có nghĩa là đứng riêng ra, gồm một số người Do-thái nhiệt thành sùng đạo. Họ rất thông thạo luật Mô-sê và thông suốt các truyền thống hiền nhân. Họ tự buộc mình và buộc người khác phải giữ Lề luật một cách tỉ mỉ và khắt khe đến nỗi gần như giả hình. Họ chú trọng đặc biệt tới luật nghỉ ngày Sa-bát, tin linh hồn bất tử và xác sẽ sống lại. Trong số các Ký lục và Luật sĩ có đông người Biệt phái. Họ không tiếp tay cho người Rô-ma thống trị nên rất được lòng dân và có uy tín trên dân.

46. H. Các Sa-đu-khê là ai ?

T. Các Sa-đu-khê là nhóm người thuộc dòng Sa-đốc, Thầy Tư tế thời vua Đa-vít (x. 2 S 8, 17; 1V 1, 34). Nhóm này thuộc thành phần giàu có, lại chạy theo ngoại bang nên ít được dân chúng tín nhiệm. Họ không tin linh hồn bất tử, không tin hạnh phúc đời sau.


BÀI 8 : SÁCH TIN MỪNG

47. H. Tin Mừng là gì ?

T. Trước tiên, TIN MỪNG là tin vui mừng về ơn giải thoát mà Thiên Chúa ban cho loài người qua Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, từ ngữ TIN MỪNG chỉ sự MỞ RỘNG TIN MỪNG, do các Tông đồ mang đến cho thế giới Ngoại giáo. Và vào thế kỷ thứ 2, TIN MỪNG dùng để chỉ những sách ghi lại tin vui mừng ấy. Đó là 4 cuốn : Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.

48. H. Các sách Tin Mừng được hình thành như thế nào ?

T. Ta có thể phác hoạ sự hình thành của các sách Tin Mừng như sau :

- Trước tiên, là những lời Rao giảng của các Tông đồ. Các Ngài đã nhớ lại và truyền lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và làm;

- Sau đó, các Thánh sử chọn lựa trong số các điều đã truyền lại bằng miệng hay bằng tài liệu viết tay, tóm tắt và tuỳ nghi mà giải thích thêm nhưng vẫn giữ hình thức các bài giảng thuyết để truyền lại cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu (x. Hc MK số 19).

49. H. Các sách Tin Mừng được chép vào những năm nào ?

T. Tin Mừng theo thánh Marcô được ghi nhận là sớm nhất vào khoảng năm 65 - 70, rồi đến Luca, Matthêu vào khoảng năm 70 - 80. Tin Mừng theo thánh Gioan được ghi nhận được viết vào khoảng năm 100 sau Kỷ nguyên.

50. H. Tin Mừng Nhất lãm là gì ?

T. Ba cuốn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô, và Lu-ca có bố cục và nội dung gần giống nhau đến nỗi có thể viết theo 3 cột song song với nhau và nhìn một lúc cả ba bản nên gọi là Tin Mừng nhất lãm (Nhất là một; lãm là ngó, nhìn)

51. H. Tin Mừng Nhất lãm có bố cục tổng quát thế nào ?

T. Không kể thời niên thiếu, Tin Mừng Nhất lãm đều mang những nét chính yếu này :

1) Dọn vào sứ vụ (Gio-an Tẩy Giả rao giảng - Đức Giê-su chịu phép Rửa, bị cám dỗ).

2) Sứ vụ của Chúa Giêsu tại xứ Ga-li-lê và các miền phụ cận.

3) Hành trình đi Giê-ru-sa-lem và những ngày cuối cùng tại đó.

4) Kết thúc là biến cố Thương khó - chết và sống lại.


BÀI 9 : SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU

52. H. Thánh ký của Tin Mừng thứ nhất là ai?

T. Là thánh Matthêu cũng gọi là Lê-vi, con của ông An-phê (x. Mc 2, 14) làm nghề thu thuế ở Ca-phác-na-um, đã được Chúa Giê-su kêu gọi làm tông đồ (x. Mt 9,9)

53. H. Thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng năm nào ?

T. Thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 70 - 80 cho người Do thái sống tại Pa-lét-tin để củng cố lòng tin của họ : lấy Cựu Ước minh chứng Chúa Giê-su Na-gia-rét là Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) mà Thiên Chúa đã hứa.

54. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu như thế nào ?

T. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu gồm 28 đoạn, 1.068 câu, có thể chia ra như sau:

1) Thời niên thiếu : chương 1- 2;

2) Sứ vụ tại Ga-li-lê : chương 3 - 18;

3) Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem : chương 19 - 25;

4) Thương khó và sống lại : chương 26 - 28

55. H. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu có những đặc điểm nào ?

T. Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do-thái sống tại Pa-lét-tin, nên có những đặc điểm sau :


1) Trích dẫn nhiều Cựu Ước,

2) Xếp đặt có thứ tự, gọn gàng, sáng sủa, có khuynh hướng tổng hợp Lời Chúa thành những bài giảng dài;

3) Bàn giải sâu rộng về đề tài Hội Thánh;

4) Có tính cách lịch sử, minh giáo.

BÀI 10 : SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁC-CÔ


56. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ hai là ai ?

T. Là Thánh Mác-cô, quê tại Giê-ru-sa-lem, ban đầu là môn đệ của thánh Phao-lô, sau theo thánh Phê-rô làm thông ngôn.

57. H. Thánh Mác-cô viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì ?

T. Thánh Mác-cô viết sách Tin Mừng tại Rô-ma sau cuộc Tử đạo của Thánh Phê-rô, vào khỏang năm 65 - 70. Thánh Mác-cô viết cho cộng đoàn Do-thái sống ở nước ngoài nhằm truyền giảng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.

58. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô như thế nào ?

T. Tin Mừng theo thánh Mác-cô gồm 16 đọan, 661 câu, có thể chia ra như sau :

1) Nhập đề : Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su chịu phép Rửa và chịu cám dỗ : 1, 1-13;

2) Sứ vụ tại Ga-li-lê-a : 1, 14 - 9,50;

3) Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem : 10, 1- 13,37;

4) Thương khó, chết, sống lại và lên trời: 14,1-16,20.

59. H. Tin Mừng theo thánh Mác-cô có những đặc điểm nào ?

T. Là Tin Mừng viết trước nhất, sách Tin Mừng theo Thánh Mác-cô có những đặc điểm sau :

1) Từ ngữ nghèo nàn, bình dân nhưng truyện kể sống động và chân thành.

2) Là bài Tin Mừng nguyên thủy và ngắn nhất.

3) Chịu ảnh hưởng tư tưởng của thánh Phao-lô.

BÀI 11 : SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA

60. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ ba là ai?

T. Là thánh Lu-ca, một người ngoại giáo gốc Hy-lạp quê ở An-ti-ô-khi-a, làm y sĩ, và là môn đệ của thánh Phao-lô từ năm 49.

61. H. Thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng năm nào và có mục đích gì ?

T. Thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng này sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, vào khoảng năm 70-80. Thánh Luca viết đề tặng Ông Thê-ô-phi-lê (Cv1,1), nhưng thực ra, nhắm vào những người Hy-lạp tòng giáo, để trình bày Chúa Giê-su là con người lịch sử và giáo huấn về Chúa Giê-su là xác thực (x. Lc 1, 1- 4).

62. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca như thế nào ?

T. Sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca gồm 24 đoạn, 1.149 câu có thể chia ra như sau :

1) Lời tựa : 1,1-4;

2) Thời niên thiếu : 1, 5-2,52;

3) Sứ vụ tại Ga-li-lê : 3,1-9,50;

4) Hành trình lên Giê-ru-sa-lem : 9, 51-19, 28

5) Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem : 19,29-21,38.

6) Thương khó, chết, sống lại và lên trời : 22,1-24,53.

63. H. Tin Mừng theo thánh Lu-ca có những đặc điểm nào ?

T. Là người ngoại giáo trở lại và môn đệ của Thánh Phao-lô, Thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng với những đặc điểm sau :

1) Là tác phẩm có giá trị văn chương và lịch sử.

2) Đề cao lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô.

3) Đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Chúa Giê-su.

4) Là Tin Mừng của niềm vui trong cầu nguyện và hy sinh.

BÀI 12 : SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

64. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ tư là ai?

T. Là Thánh Gio-an, em của Gia-cô-bê, con ông Giê-bê-đê, là một trong những người đầu tiên được gọi làm tông đồ, đã được Chúa Giê-su yêu thương cách đặc biệt (x. Mt 4,21; Gn 13,23).

65. H. Thánh Gio-an viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì ?

T. Thánh Gio-an viết Tin Mừng này vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất (năm 100?). Thánh nhân viết Tin Mừng này để độc giả tin rằng Đức Giê-su chính là Chúa Ki-tô (Đấng được Xức dầu), Con Thiên Chúa và nhờ tin vào Người mà được sống đời đời. (x. Gn 20,31)

66. H. Bố cục của sách Tin Mừng theo thánh Gio-an thế nào ?

T. Tin Mừng theo thánh Gio-an gồm 21 đoạn, 878 câu, có thể chia ra như sau :

1) Nhập đề : 1,1-51

2) Ngôi Lời làm người tỏ mình trong dấu lạ : 2,1-12,50

3) Thương khó và sống lại : mạc khải tối hậu : 13, 1-21,25

67. H. Tin Mừng theo thánh Gio-an có những đặc điểm nào ?

T. Là Tông đồ cuối cùng, Gio-an đã được vinh dự theo sát mọi sinh hoạt của Chúa Giê-su và Hội Thánh thời sơ khai, nên Tin Mừng theo thánh Gio-an có những đặc điểm sau :

1) Chứng từ của một niềm tin sống động vào Chúa Giê-su. Một chứng từ có giá trị lịch sử.

2) Có giá trị văn chương. Tác giả chọn lọc các trình thuật và soạn thảo các Bài giảng.

3) Hoàn toàn hướng về Đức Ki-tô : Người là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế.

4) Nhấn mạnh đến đời sống tâm linh.

BÀI 13 : CÁC THƯ THÁNH PHAO - LÔ

68. H. Thánh Phaolô là ai và đã làm Tông đồ khi nào ?

T. Thánh Phaolô sinh vào khoảng năm thứ 7 sau Kỷ nguyên tại Tác-sê với tên là SAO-LÔ.

Thời niên thiếu theo học với Thầy Ga-ma-li-en ở Giê-ru-sa-lem. Phao-lô là người Do-thái rất nhiệt thành, thông thạo lề luật và hăng hái bênh vực tập truyền của Cha ông (x. Gal 1,14).

Khoảng năm 34, trên đường đi Đa - mát bách hại tín hữu Chúa Ki-tô, Ông được thị kiến Đấng Phục Sinh và được ơn trở lại. Sau khi được Rửa tội, Ông bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho người Do-thái, nhưng gặp chống đối và thất bại. Ông lui về sa mạc A-ra-bi và tĩnh tâm ở 3 năm (34 -37). Được Ba-na-ba đến tìm đi rao giảng Tin Mừng (x. Cv 11, 25-26).

69. H. Phao-lô đã thực hiện mấy cuộc hành trình truyền giáo ?

T. Thánh Phao-lô đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo :

- Lần thứ nhất từ năm 45 đến 48, cùng với Ba-na-ba và Gio-an Mác-cô ở vùng Nam Tiểu Á.

- Lần thứ 2 từ năm 50 đến 53 cùng với Si-lát tại Tiểu Á. Trong lần này, Phao-lô đã viết 2 thư gửi Giáo đoàn Thét-sa-lô-ni-ca.

- Lần thứ 3 từ năm 54 đến 58, ngang qua Tiểu A đến vùng Ma-khê-đô-ni-a và A-kha. Trong thời gian này, Thánh Phao-lô viết các thư gửi Giáo đoàn Ga-lát, 2 Cô-rin-tô và Rô-ma.

Thánh Phao-lô thường dùng những lời Tiên tri để chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu thế.

Cuối đời, thánh Phao-lô đã đến Rô-ma vào năm 61 và được phúc tử đạo năm 67 tại đó.

70. H. Đâu là những thư quan trọng của thánh Phao-lô ?

T. Những thư quan trọng nhất của Thánh Phao-lô gồm có :

- Thư gửi Giáo đoàn Galata.

- Thư gửi Giáo đoàn Ê-phê-sô

- Thư gửi Giáo đoàn Rô-ma.

- Thư 1 và 2 gửi Giáo đoàn Cô-rin-tô.

- 2 thư gửi Giáo đoàn Thê-sa-lô-ni-ca.

Trong các thư này, Thánh Phao-lô nói về sự công chính hoá, việc tái lâm trong vinh quang của Chúa Giê-su Kitô và tất cả những vấn đề mà người tân tòng, và những cộng đoàn sơ gặp.

71. H. Những thư viết trong tù là những thư nào ?

T. Đó là các thư : Cô-lô-sê, Phi-lê-mon, Ê-phê-sô và Phi-líp-phê. Vấn đề chính trong các thư này là vai trò của Chúa Ki-tô trong vũ trụ và lịch sử , thường được gọi là những bức thư Ki-tô học. Ngoài ra, thánh Phao-lô cũng cố gắng xách định các yếu tố của một đời sống Ki-tô hữu gương mẫu.

72. H. Còn những thư mục vụ là những thư nào ?

T. Đó là các thư 1 và 2 Ti-mô-thê và thư Ti-tô. Trong các thư ấy, ta thấy được mối quan tâm của thánh Phao-lô về việc tổ chức các cộng đoàn Ki-tô giáo trước nguy hiểm các lạc thuyết và trước khi Phao-lô ly trần.

73. H. Đâu là những điểm Giáo lý chính yếu trong các thư của thánh Phao-lô ?

T. Những điểm Giáo lý chính yếu trong các thư của thánh Phao-lô là :

1) Đức Ki-tô : Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu thế và là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và Thiên Chúa và loài người.

2) Hội thánh : là thân thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô, được xây dựng trên lời rao giảng Tin Mừng, gồm có Do-thái và Dân Ngoại trong bình đẳng và tự do của con cái Thiên Chúa.

3) Công cuộc Cứu chuộc : được liên kết với mầu nhiệm Ba Ngôi, sáng kiến của Thiên Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

BÀI 14 : CÁC THƯ KHÁC

74. H. Ngoài các thư của Thánh Phao-lô, Tân Ước còn có thư nào nữa không ?

T. Còn có 7 thư khác có nguồn gốc khác nhau được thu tập lại từ lúc ban đầu của Hội Thánh, thường được gọi là "CÁC THƯ CHUNG" và không được xác định là gửi cho Giáo đoàn hay nhân vật nào riêng biệt.

75. H. Các Thư Chung gồm những thư nào ?

T. Là 7 thư này :

- 1 thư của thánh Gia-cô-bê.

- 2 thư của thánh Phê-rô.

- 3 thư của thánh Gio-an

- 1 thư của thánh Giu-đa Ta-đê-ô.

76. H. Các Thư Chung có nội dung chính yếu như thế nào ?

T. Một cách tổng quát, các Thư Chung nhằm mục đích khuyến khích người tín hữu Chúa Ki-tô bền vững trong đức tin, can đảm chịu đựng gian khổ và sống làm sao cho xứng đáng với ơn gọi mà họ đã nhận lãnh trong phép Rửa.

77. H. Các Thư chung có tầm quan trọng như thế nào ?

T. Các Thư Chung chứa nhiều đề tài quan trọng về :

- Thần học : đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc), chức tư tế cộng đồng (1Phê-rô), sự linh ứng của Thánh Kinh (2Phê-rô), Thiên Chúa là Tình yêu (1Gio-an).

- Phụng vụ : Bí tích Xức dầu bệnh nhân (Gc).

- Luân lý : Kiềm chế miệng lưỡi (Gc), kiên nhẫn chịu đựng đau khổ (1Phê-rô), sống theo tư cách là con Thiên Chúa và trong tình yêu của Người (1Ga).

78. H. Thư Híp-ri của ai và được viết ra nhằm mục đích gì ?

T. Thư gửi tín hữu Híp-ri (Do-thái), tuy được xếp vào số thư của Thánh Phao-lô, nhưng chắc là không do tay Ngài viết ra. Đúng hơn, đây là một bài giảng, viết cho người Do-thái tản cư đã trở lại Ki-tô giáo, nhằm củng cố niềm tin của họ trước nguy hiểm trở về với Do-thái giáo.

79. H. Thư Híp-ri có nội dung thế nào ?

T. Thư Híp-ri đề cao vị trí tối thượng của Đức Ki-tô, Vị Thượng Tế đời đời theo kiểu Men-ki-sê-đê. Chúa Ki-tô chính là Vị Thượng tế mà loài người cần đến, vì lễ tế Người dâng có tính cách chung cục và hiệu nghiệm, mang lại ơn cứu rỗi đời đời cho loài người.


BÀI 15 : SÁCH KHẢI HUYỀN

80. H. Khải huyền là gì ?

T. Khải huyền là mạc khải, tỏ lộ những điều huyền nhiệm của thời tương lai. Đó là một loại văn dùng hình ảnh để mô tả số phận hiện tại và tương lai của Hội thánh Chúa Ki-tô đang bị bách hại, nhưng sẽ toàn thắng trong vinh quang vào Ngày Chúa Ki-tô trở lại.

81. H. Tác giả sách Khải huyền trong Tân Ước là ai ?

T. Truyền thống Hội thánh vẫn cho thánh Tông đồ Gio-an là Tác giả sách Khải huyền. Người là tác giả sách Tin Mừng thứ 4, đã biên tập sách Khải huyền tại đảo Pát-mô vào cuối thế kỷ thứ nhất, khi Hội thánh bị bách hại bởi các hoàng đế Rô-ma như Nê-rô và Đô-mi-xi-a-nô.

82. H. Sách Khải huyền gửi cho ai và nhằm mục đích gì ?

T. Sách Khải huyền là sứ điệp có tính cách tiên tri của Chúa Giê-su gửi cho 7 Giáo đoàn Tiểu Á qua trung gian thánh Gioan, nhằm giúp họ thêm lòng tin tưởng vào Chúa trong cơn bách hại mà họ đang chịu.

83. H. Đâu là Sứ điệp Hy vọng mà sách Khải huyền muốn gửi đế n cho các tín hữu?

T. Tác giả khuyên các tín hữu tiếp tục tin tưởng vào Chúa và trung thành với Người, vì thời gian bách hại đang được rút ngắn, vì Chúa Giê-su sắp trở lại và đem theo phần thưởng cho họ, vì sự ác dù có mạnh mẽ và độc dữ đếu đâu, cũng sẽ bị khuất phục bởi Con Chiên, vì Người là Chúa các chúa, Vua các vua và những ai theo Người cũng sẽ toàn thắng với Người.

84. H. Sách Khải huyền có bố cục thế nào ?

T. Ta có thể chia sách Khải huyền như sau :

1) Phần mở đầu : 1,1-20;

2) Phần I : Thị kiến về những việc hiện tại : 2,1-3,22;

3) Phần II : Thị kiến về những việc sẽ xảy đến : 4,1-22,5;

- Lời Tiên tri trong sách có 7 ấn niêm phong : 4, 1-11,8.

- Lời tiên tri trong sách được mở ra: 11,19-22,5.

4) Phần kết : 22, 6-21.


BÀI 16 : CÁCH ĐỌC VÀ HIỂU THÁNH KINH

85. H. Ngày nay Thiên Chúa có nói với chúng ta không ?

T. Có. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hằng NÓI với chúng ta, đặc biệt bằng LỜI CHÚA trong Thánh Kinh.

86. H. Phải đọc Thánh Kinh thế nào ?

T. Để đọc Thánh Kinh có ích lợi, ta cần lưu ý những điểm sau :

1) Đọc Lời Chúa trong Đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, trong ước muốn được dạy dỗ và sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy;

2) Đọc một cách chậm rãi, từng câu trong tâm tình Đức tin của Hội thánh chứ không vì tò mò, vội vã...

3) Đọc bản văn được Hội thánh công nhận.

87. H. Có mấy cách hiểu Thánh Kinh ?

T. Có 2 cách, tùy theo văn thể :

1) Hiểu theo nghĩa đen ;

2) Hiểu theo nghĩa bóng (tượng trưng).

88. H. Muốn hiểu Lời Chúa, ta phải làm những việc gì ?

T. Ta phải thực hiện những việc sau:

1) Phân tích xem đoạn văn vừa đọc thuộc loại văn thể nào ?

2) Rút ra một ý tưởng chủ yếu và triển khai ý tưởng đó nhờ những Lời Chúa khác;

3) Không nên quá bám sát từng chữ

nhưng biết đặt đoạn văn đó vào toàn thểmạch văn, toàn bộThánh Kinh;

4) Phải hiểu đoạn văn theo hướng dẫn của Hội thánh vì Hội thánh đã được Chúa Kitô trao sứ vụ bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn Lời mạc khải (x. Hc MK 7).

BÀI 17 : SỐNG LỜI CHÚA

89. H. LỜI CHÚA có cần thiết cho đời sống Kitô hữu không ?

T. Rất cần thiết vì những lý do chủ yếu sau :

1) LỜI CHÚA là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa đã nói với loài người, nên các tín hữu phải biết đáp lại tình yêu ấy : "Ai yêu mến Ta, thì giữ Lời Ta" (Ga 14, 24);

2) LỜI CHÚA là Lời cứu rỗi, đem lại sự sống cho loài người: "Thầy có những Lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6, 68);

3) LỜI CHÚA thể hiện ý muốn của Thiên Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng và yêu thương ta: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe LỜI Người" (Mc 9,7).

90. H. Ta phải sống Lời Chúa thế nào?

T. Muốn sống Lời Chúa, ta phải :

1) Chấp nhận dấn thân trong sự từ bỏ, không chỉ một ngày nhưng trọn cả cuộc đời vì Tin Mừng;

2) Chấp nhận để Chúa Kitô biến đổi, học theo Người trong tư tưởng, lời nói và hành động.

3) Chấp nhận bước đi theo Chúa Kitô không phải chỉ ở một vài đòi hỏi dễ dãi nhưng là tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống.



"LỜI CHÚA có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin cho con cái Hội Thánh, là lương thực nuôi linh hồn ... " (Hc MK 21)

PHỤ TRƯƠNG 1 :

GIÚP SỐNG LỜI CHÚA

Để gặp gỡ và sống thân mật với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta phải tiến tới không ngừng trong việc suy niệm và sống LỜI CHÚA. Có lúc vì thiếu ánh sao chỉ dẫn, ta đã lầm đường; có khi vì thiếu hiểu biết phương pháp, ta đã dừng lại nơi những chi tiết vô bổ, khiến việc suy niệm Lời Chúa ra chán ngán và việc sống Lời Chúa không mấy phấn khởi.

Để mỗi người chúng ta gặp được Chúa Kitô và tìm được "sức sống nơi BÀN TIỆC LỜI CHÚA" (Hc MK 21), chúng tôi xin giới thiệu một vài phương pháp, kinh nghiệm, nhận định cụ thể :

A. CÁ NHÂN SỐNG LỜI CHÚA

1. Gặp gỡ Lời Chúa

a. Khung cảnh : thường vào buổi tối, trong một nơi yên tĩnh trước khi ngủ.

b. Thời lượng : chừng 5-10 phút ;

c. Diễn tiến :

- Thinh lặng trong niềm tin có Chúa hiện diện, thưa chuyện với Chúa.

- Đọc một đoạn Tin Mừng ngắn,

- Lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn qua Lời Chúa vừa đọc,

- Kiểm điểm đời sống theo Lời Chúa vừa đọc :

Chúa muốn nói với tôi điều gì qua đoạn Tin Mừng vừa đọc ?

Trong những tháng ngày vừa qua, tôi đã sống Lời dạy của Chúa như thế nào? (những ưu điểm, những khuyết điểm) ?

Từ nay, tôi sẽ sống ra sao (quyết tâm)?

d. Lượng giá phương pháp :

- Hiệu nghiệm để biết Đức Kitô và sứ điệp của Người;

- Mục đích nhằm gặp được chính Chúa, nên không cần chú giải Thánh Kinh. Cao điểm gặp gỡ là cầu nguyện, trực tiếp nói chuyện với Chúa.

- Không nên đặt nặng việc tìm bài học luân lý. Cần lắng nghe tiếng Chúa.

2. Kiểm điểm đời sống theo Tin Mừng

Kiểm điểm đời sống là việc mỗi người cố gắng tìm kiếm thánh ý Chúa qua sống hàng ngày bằng cách quan sát sự kiện, phán đoán nó theo tinh thần Đức Kitô trình bày trong Tin Mừng để chọn một hành động, một thái độ thích hợp với tôn ý Chúa.

a. Khung cảnh : thường vào buổi tối trong một nơi yên tĩnh ở nhà;

b. Thời lượng : 10 -15 phút ;

c. Diễn tiến :

- Thinh lặng trong niềm tin vào sự hiện diện của Chúa.

- Đọc một đoạn Tin Mừng thích hợp với sự kiện.

Ví dụ : Lc 21, 3-4

- Quan sát (XEM) :

+ Thái độ khác nhau của những người cho ?

+ Cách cám ơn của người nhận ?

+ Phản ứng của họ khi tôi cám ơn ?

- Phán đoán (LÀM)

+ Phương tiện tự nhiên : tại sao tôi và người ta đã hành động như thế ?

+ Phương tiện siêu nhiên : Lời Chúa: "Ta bảo thật, bà goá nghèo ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy"...

- Hành động (LÀM) :

+ Không phán đoán theo vẻ bên ngoài;

+ Vồn vã biết cám ơn người cho ít cũng như kẻ cho nhiều.

d. Lượng gía :

- Rất hiệu nghiệm cho một sự chuyển hướng, một cuộc dấn thân, một cái nhìn mới trước các vấn đề khó khăn mà ta thường không biết phải hành động thế nào cho đúng tinh thần của Chúa Kitô.

- Cá nhân thường ngại khi làm riêng vì sợ phán đoán chính mình.

c. Suy niệm Tin Mừng

a. Khung cảnh : thuận tiện nhất là ban sáng sau khi thức dậy, tốt nhất là trước Mình Thánh Chúa.

b. Thời lượng : 20 - 30 phút

c. Diễn tiến :

- Dọn mình : Chọn đề tài hoặc đoạn Tin Mừng từ hôm trước; thanh tẩy tâm hồn, thinh lặng, đặt mình trước mặt Chúa. Xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ, các thánh...

- Phần chính : đọc đoạn Tin Mừng :

+ Suy niệm :suy nghĩ và nhìn chân lý dưới nhiều khía cạnh. Ap dụng vào chính mình.

+ Tâm tình : dâng lên Chúa tâm tình hợp với đề tài. Quyết tâm cụ thể.

- Sau suy niệm :

+ Cám ơn, dâng hiến, xin lỗi ;

+ Lời nguyện tắt, nhắc lại quyết tâm;

+ Xin ơn trung thành.

d. Lượng giá:

- Phương pháp này dành cho những người đã quen suy niệm;

- Rất tốt để đi sâu vào đời sống đức tin, thông hiệp với Chúa Giê-su.

B. TẬP THỂ SỐNG LỜI CHÚA

1. Chia sẻ Tin Mừng

a. Khung cảnh : khi cộng đoàn nhóm họp. Bầu khí yên tĩnh, thoải mái, tự do.

b. Thời lượng : tối đa 10 phút trong Thánh Lễ với cộng đoàn nhỏ; 30 phút ngoài Thánh lễ.

c. Diễn tiến :

- Đọc khoan thai một đoạn Tin Mừng (khoảng 10 đến 15 câu)

- Thinh lặng để tâm hồn tiếp xúc với Lời Chúa vừa nghe (không nên phát biểu liền sau khi nghe);

- Cá nhân tự ý phát biểu (ngồi hay đứng tùy môi trường ít hay đông);

- Không nên theo thứ tự sắp sẵn để khỏi có cảm tưởng bị bắt buộc phải nói. Không bàn cãi.

- Mỗi người phát biểu ngắn gọn (tối đa 1 phút). Sau mỗi ý kiến, mọi người nên thinh lặng chừng ít giây để suy nghĩ về điều vừa được nghe.

- Cũng có thể lặp lại những câu Tin Mừng mà mình cho là đánh động, cảm hóa;

- Kết thúc bằng một lời cầu nguyện chung hay bài hát.

d. Lượng giá :

- Rất sống động và hiệu nghiệm để hiểu Lời Chúa qua tác động của Chúa Thánh Thần;

- Buổi chia sẻ Tin Mừng là trường dạy ta biết nghe kẻ khác, đón nhận kẻ khác và tất cả hiệp thông trong tình yêu Lời Chúa;

- Việc quyết định hành động thế nào trong cuộc sống là chuyện riêng của mỗi người.

- Cần chú ý về thời gian và tôn trọng tự do của mỗi người.

- Cần chú ý về thời gian và tôn trọng tự do của mỗi người.

2. Cầu nguyện tiệm tiến :

a. Khung cảnh : một nơi yên tĩnh, ấm cúng, ít ánh sáng. Nếu có thể thì trước Mình Thánh Chúa;

b. Thời lượng : khoảng 20 -30 phút

c. Số người : từ 10 đến 30 người;

d. Tư thái : tự do đứng, ngồi, quì ;

e. Diễn tiến :

- Khai mạc với kinh nguyện hoặc lời hướng dẫn của vị Chủ sự ;

- Đọc một đoạn Tin Mừng .

- Im lặng cầu nguyện riêng chừng 5 phút.

- Sau đó, một người xướng lên một câu hay một chữ trong đoạn Tin Mừng vừa nghe;

- Người khác thêm một câu lấy trong đoạn Tin Mừng liên quan. Im lặng;

- Lại thêm một câu khác do người bạn. Ý tưởng triển khai từ từ;

- Kẻ khác có thể hát một bài liên quan nhằm thêm ý cho câu vừa nghe. Ai biết có thể hát theo.

- Có thể lặp lại ý tưởng, câu đã phát biểu miễn đó là tâm tình thực sự đang có do Thánh Thần tác động;

- Thêm dần các câu Thánh Kinh ...

- Hết giờ : chủ sự tóm kết và hát chung một bài.

f. Lượng giá :

- Giống như phương pháp chia sẻ Tin Mừng nhưhg có tính cách bổ túc cho nhau;

- Nên phát biểu vắn gọn : mỗi người thêm một tiếng, một câu Thánh Kinh, 1 lời ca ngợi, 1 lời hát, 1 kinh khẩn nguyện...

- Đặc biệt lưu ý các thời gian thinh lặng giữa 2 lời phát biểu để tất cả có dịp đón nhận nhau trong Chúa Thánh Thần;

- Luôn nhớ bắt đầu cũng như kết thúc đúng giờ.

XIN NHẤP VÀO LINK LIÊN KẾT DƯỚI ĐÂY
DẪN VÀO KINH THÁNH - GIÁO LÝ MỤC VỤ CỦA GIÁO PHẬN XUÂN